Philippines muốn thăm dò dầu khí Biển Đông, Trung Quốc cũng có “kế hoạch”
(Dân trí) - Chính phủ của Tổng thống Aquino có kế hoạch mời thầu thăm dò dầu khí tại một số khu vực trên Biển Đông - quan chức Philippines xác nhận, giữa lúc tranh chấp trên vùng biển này đang nóng lên và Trung Quốc thông báo kế hoạch đưa tàu Giao Long tới đây.
Philippines khẳng định nhiều công ty của Trung Quốc muốn tham gia hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi đảo Palawan, phía tây Philippines.
Theo ông Layug, cũng có 2 công ty khác của Trung Quốc muốn tham gia hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông (mà Manila gọi là Biển Tây Philippines), nhưng ông từ chối tiết lộ tên những công ty này.
Danh sách các công ty trúng thầu sẽ được thông báo vào năm tới.
Trong thông điệp toàn quốc đọc tuần trước, Tổng thống Benigno Aquino III từng nói 140 công ty Philippines và nước này đã bày tỏ mong muốn tham gia hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi nước này.
Một bản đồ do Công ty Nghiên cứu Toàn cầu Deloitte công bố cho thấy có 3 khu vực với tổng diện tích 16.400km2 ở tây bắc Palawan được mời thầu thăm dò dầu khí lần này.
Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Thứ trưởng Năng lượng Philippines khẳng định những khu vực dự kiến tiến hành thăm dò này “cách xa khu vực tranh chấp và nằm trong vùng đặc khu kinh tế 200 hải lý của Philippines, hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Cộng hòa Philippines”.
Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông (mà nước này gọi là biển Hoa Nam). Trong thông báo mời thầu, quan chức Philippines hy vọng “Bắc Kinh sẽ không quấy rối các tàu thăm dò dầu mỏ được Philippines cho phép hoạt động”.
Hồi đầu tháng này, Bộ Năng lượng Philippines từng tuyên bố sẽ mời thầu cho các dự án khai thác dầu ở Bãi Recto Bank, tức Bãi Cỏ Rong, một khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc: Giao Long sẽ thăm dò Biển Đông
Nhưng tờ báo đề cập đến hoạt động xây dựng gần đây của Philippines trên một hòn đảo mà Manila tuyên bố chủ quyền, cho rằng hành động này “vi phạm tinh thần của một kế hoạch sơ bộ đạt được cuối tháng trước nhằm giải quyết các vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giàu tài nguyên này” (Trung Quốc và ASEAN đạt được thỏa thuận hướng dẫn thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC trong hội nghị khu vực vừa diễn ra ở Bali).
“Điều này chứng tỏ Manila thiếu chân thành trong việc giải quyết tranh chấp. Trung Quốc sẽ không im lặng”, tờ báo viết.
Trong khi đó, cùng lúc, báo chí Trung Quốc đưa tin nước này “sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thăm dò tài nguyên trên Biển Hoa Nam trong năm 2012”. Theo hãng tin Xinhua, tàu lặn có người lái mang tên Giao Long sẽ thực hiện cuộc thăm dò khảo sát đầu tiên từ tháng 3 đến tháng 5/2012 trên Biển Đông.
Vài ngày trước đây, cũng hãng tin này cho biết tàu Giao Long đã lặn thử thành công ở độ sâu 5.000m ở Thái Bình Dương. Tàu này dài 8,2 m và có trọng tải 22 tấn.
Báo chí Trung Quốc cho rằng việc tàu Giao Long có người lái thực hiện thành công các chuyến lặn đột phá dưới đáy biển ở độ sâu 5.000m “đã chứng tỏ năng lực của Trung Quốc trong thăm dò trên 70% đáy biển sâu của toàn cầu”.
Còn hãng tin AP viết: “Gần đây, Trung Quốc tiếp tục tăng cường các hoạt động đảm bảo quyền lợi trên biển, bất chấp những tranh cãi về chủ quyền Biển Đông với một số quốc gia láng giềng”.
“Kế hoạch tiếp tục thực hiện các hoạt động thăm dò tài nguyên trên Biển Hoa Nam được dự báo sẽ lại làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”.