1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Philippines kiên quyết đưa tranh chấp Scarborough ra toà quốc tế

Philippines vẫn giữ ý định đưa tranh chấp về chủ quyền bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) với Trung Quốc ra giải quyết tại toà án quốc tế về Luật Biển.

 

 
Mỹ sẽ đưa thêm tàu hải quân tới Châu Á - Thái Bình Dương.
Mỹ sẽ đưa thêm tàu hải quân tới Châu Á - Thái Bình Dương. 
 

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định rằng, cách duy nhất để giải quyết các bế tắc hiện nay với Trung Quốc là thông qua trung gian quốc tế.

 

“Theo đuổi một cơ chế giải quyết tranh chấp dựa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là cách tiếp cận pháp lý của chúng tôi hướng tới một giải pháp hoà bình và bền vững để công nhận các đòi hỏi về chủ quyền tại biển Tây Philippines” - ông Rosario nói và bổ sung rằng đây là lựa chọn được nhiều đối tác quốc tế ủng hộ và khuyến khích nhằm giải quyết bế tắc phù hợp với các quy định được nêu trong UNCLOS.

 

Trước đó, hồi tháng 4, Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Philippines đưa tranh chấp ra toà án quốc tế có trụ sở tại Hamburg, Đức.

 

Ngày 14.6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nhắc lại rằng hai bên nên giải quyết tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao.

 

Ông Lưu Vi Dân cho biết, tàu cá Trung Quốc hiện đang “đánh bắt bình thường” ở Hoàng Nham và được sự hậu thuẫn của chính phủ: “Tàu thuyền của Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục quản lý và cung cấp dịch vụ cho tàu cá và ngư dân”.

 

Mặt khác, ông Lưu Vi Dân cho rằng UNCLOS không cấu thành luật quốc tế xác định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.

 

Trong khi đó, hôm qua tờ Philippine Star đưa tin hệ thống radar của Cơ quan Hàng không dân dụng Philippines đã phát hiện một chiếc phản lực chiến đấu không rõ nguồn gốc bay trên bãi cạn Scaborough vào khoảng 1h35 sáng 11.6, sau đó biến mất chỉ trong chưa đầy 1 phút. Chiến đấu cơ này được cho là đã bật hệ thống tiếp sóng để phát tín hiệu cho tàu thuyền bên dưới.

 

Tờ báo cho hay, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy chiếc máy bay không rõ nguồn gốc kia có phải của Trung Quốc hay không. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tuyên bố không biết bất cứ điều gì về máy bay này.

 

Trong một diễn biến khác, quân đội Philippines hôm qua bày tỏ vui mừng trước kế hoạch của Mỹ cung cấp cho nước này hệ thống radar hùng mạnh nằm trong Trung tâm Giám sát bờ biển quốc gia, có thể giúp phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm nhập lãnh thổ và theo dõi tàu thuyền ngoài khơi.

 

“Sự giúp đỡ quan trọng này đến đúng lúc chúng tôi đang cố gắng tăng cường khả năng quốc phòng, đặc biệt là củng cố khả năng giám sát hàng hải. Nỗ lực này không chỉ giúp chúng tôi ngăn chặn sự xâm nhập của nước ngoài, mà còn hỗ trợ đối phó với các loại tội phạm xuyên quốc gia” - thông cáo của lực lượng vũ trang Philippines viết.

“Theo đuổi một cơ chế giải quyết tranh chấp dựa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là cách tiếp cận pháp lý của chúng tôi hướng tới một giải pháp hoà bình và bền vững để công nhận các đòi hỏi về chủ quyền tại biển Tây Philippines”.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario

 

 

Theo Vân Anh

Lao động/Inquirer, Phil Star, Xinhua

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm