1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines khủng hoảng thiếu y tá giữa lúc Covid-19 hoành hành

Thanh Thành

(Dân trí) - Philippines đang thiếu y tá trầm trọng do các lý do khác nhau như nhiều người bị lây bệnh, làm việc quá sức, lương thấp..., giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành.

Philippines khủng hoảng thiếu y tá giữa lúc Covid-19 hoành hành - 1

Các nhân viên y tế làm việc tại Manila (Ảnh: EPA).

Theo Asia Times, Philippines đang phải đối mặt số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến do biến chủng Delta. Trong khi đó, Bộ y tế báo cáo tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế, lên tới con số hơn 100.000 người. Tình trạng này khiến những người còn lại phải làm việc nhiều giờ với mức lương thấp, trong các hợp đồng ngắn hạn thường rất bấp bênh.

Các số liệu chính thức cho thấy, hiện có khoảng 75.000 y tá đang làm việc tại các bệnh viện công và tư của Philippines, và nước này cần thêm khoảng 109.000 người.

Chủ tịch của Hiệp hội Y tá Philippines Maristela Abenojar cho biết, đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu y tá ở nước này, một tình huống mà bà mô tả là "trớ trêu" tại một trong những quốc gia cung cấp số lượng nhân viên y tế lớn nhất ra thế giới. Theo bà, tình trạng thiếu nhân sự này diễn ra thường xuyên do mức lương không tương xứng.

Dữ liệu chính thức cho thấy, một y tá mới vào nghề tại một bệnh viện công có thể kiếm được 33.575 peso (670 USD) mỗi tháng. Nhưng bà Abenojar cho biết, hầu hết y tá đều ký hợp đồng ngắn hạn nên chỉ được trả mức lương 22.000 peso/tháng và không có phụ cấp rủi ro. Những y tá làm trong khu vực tư nhân chỉ được trả khoảng 8.000 peso.

Ông Jose Rene de Grano thuộc Hiệp hội Các bệnh viện tư nói: "Chúng tôi không thể có thêm y tá, chúng tôi không thể bắt họ nộp đơn".

Với nhiều người, số tiền trên là không đủ trang trải cuộc sống. Khoảng 40% y tá bệnh viện tư nhân đã bỏ việc kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo Hiệp hội các bệnh viện tư nhân của Philippines.

"Chúng tôi cảm thấy kiệt sức"

Trong những tuần gần đây, các nhân viên y tế đã phản đối việc các khoản trợ cấp chưa được chi trả, bao gồm cả khoản trợ cấp rủi ro đặc biệt do Covid-19. Bà Abenojar cho biết, nhiều người vẫn đang chờ được hỗ trợ.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã kêu gọi mọi người kiên nhẫn. Tuy nhiên, ông Melbert Reyes thuộc Hiệp hội Y tá Philippines cho hay: "Chúng tôi không cảm thấy được quan tâm. Nhiều bệnh viện tăng công suất giường bệnh sau đợt bùng phát virus vào đầu năm nay".

Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và phòng chăm sóc tích cực (ICU) ở mức hơn 70% trên toàn quốc vì các ca bệnh hàng ngày thường vượt quá 20.000. Giám đốc y tế Melbril Alonte cho biết: "Nhiều y tá của chúng tôi bị nhiễm bệnh và đang phải cách ly. Chúng tôi cảm thấy kiệt sức… nhưng chúng tôi luôn nhớ phải giúp đỡ mọi người bởi vì… không ai khác sẽ làm".

Do tình trạng thiếu y tá, một số cơ sở như Trung tâm Y tế Lipa Medix đã phải cắt giảm công suất giường và kéo dài ca làm việc của y tá. Y tá Trixia Bautista cho biết, cô làm việc tới 15 giờ mỗi ca để chăm sóc hầu hết các bệnh nhân Covid-19 nặng tại một bệnh viện chuyển tuyến công ở thủ đô. Có thời điểm, một mình cô phải chăm sóc cho 30 bệnh nhân sau khi các y tá trong khoa nghỉ việc hoặc bị bệnh. 

"Họ mệt mỏi và kiệt sức", Giám đốc điều dưỡng Lourdes Banaga tại một bệnh viện tư nhân ở phía nam Manila, cho biết. "Đầu đại dịch, chúng tôi có khoảng 200 y tá, nhưng đến tháng 9, giảm còn 63 người", vị giám đốc này nói thêm.

Theo Chủ tịch của Hiệp hội Y tá, Philippines có rất nhiều y tá có trình độ và theo ước tính là khoảng 200.000-250.000 người. Vấn đề là họ đã rời bỏ nghề vì mức lương thấp và tương lai bấp bênh.