1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Philippines chờ đợi những thay đổi lớn

(Dân trí) - Các cuộc bầu cử ở Philippines ngày 10/5 đang thu hút sự chú ý của cả người dân trong nước và cộng đồng quốc tế, vì sự kiện này sẽ mang lại những thay đổi lớn về các vị trí cầm quyền ở Philippines - từ ghế tổng thống đến ban lãnh đạo địa phương.

Quyết liệt từ ... năm ngoái

Đầu tuần tới, hơn 50 triệu cử tri trên 7.100 hòn đảo của Philippines sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống, phó tổng thống, khoảng 300 ghế của quốc hội lưỡng viện và hơn 17.600 chức vụ trong các cơ quan chính quyền địa phương. Các chiến dịch vận động bầu cử đã được xúc tiến mạnh mẽ từ năm ngoái.

Điểm đặc biệt là lần này, Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo sẽ là tổng thống đầu tiên của Philippines tham gia tranh ghế trong Hạ viện gồm 287 thành viên. Có dư luận cho rằng bà được xem là có nhiều cơ hội trở thành Chủ tịch Hạ viện, đóng vai trò chính trị lớn thứ tư của đất nước.

Philippines chờ đợi những thay đổi lớn - 1


Chiến dịch tranh cử bắt đầu từ rất sớm
 
Các nhà đầu tư đang lo ngại về tình trạng bất ổn ở Philippines, nếu các cuộc bỏ phiếu sắp tới không diễn ra đúng thời hạn và không mang lại những kết quả đáng tin cậy, trong bối cảnh không hiếm những vụ giết hại các nhà hoạt động chính trị, tình trạng gian lận và hỗn loạn bầu cử. Đơn vị đặc nhiệm đảm bảo cho các cuộc bầu cử diễn ra hòa bình, trật tự và tin cậy của Các Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) đã được đặt trong tình trạng "báo động đỏ" – mức báo động an ninh cao nhất, bắt đầu từ ngày 30/4 và duy trì cho tới ngày 20/5.
 
Theo luật pháp Philippines, quân đội không được can thiệp vào xung đột bầu cử, trừ phi được tổng thống nước này, trên cương vị Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang, yêu cầu can thiệp để khôi phục hòa bình và trật tự. Phát ngôn viên của quân đội Philippines nhấn mạnh rằng các kế hoạch đối phó với các tình huống bất thường được AFP đưa ra hồi đầu tháng 6/2009 không bao gồm việc quân đội tiếp quản chính phủ.

Tín hiệu vui là nhà chức trách Philippines ngày 24/4 thông báo Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) - phong trào nổi dậy Hồi giáo lớn nhất nước này, đã nhất trí giúp tránh bạo lực tại hòn đảo Mindanao bất ổn ở miền Nam trong thời gian diễn ra tổng tuyển cử và bầu cử địa phương vào tháng sau. Nhưng ngay sau đó, các nhà phân tích đã tỏ mối quan ngại đối với hệ thống máy kiểm phiếu tự động mà lần đầu tiên Philippines đưa vào vận hành.

Hơn 76.000 thẻ nhớ trong các máy kiểm phiếu tự động vừa bị thu hồi sau khi các kết quả thử nghiệm cho thấy những máy này không đọc được các phiếu bầu và không in được các kết quả bầu cử một cách chính xác. Hệ thống này chưa từng được thử nghiệm trên quy mô lớn và chính phủ cũng chưa có kế hoạch dự phòng trong trường hợp xảy ra các sự cố kỹ thuật. Ngày 5/5, Văn phòng Tổng thống Philippines cảnh báo cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 10/5 có thể phải hoãn lại do trục trặc này.

3 ứng cử viên tiềm năng cho chức tổng thống

Trong số các ứng cử viên chạy đua vào chiếc ghế tổng thống, nổi lên 3 ứng cử viên nặng ký nhất là Benigno Simeon "Noynoy" Cojuangco Aquino III thuộc đảng Tự do, Manuel "Manny" Bamba Villar Jr. thuộc đảng Nacionalista và cựu Tổng thống Joseph "ERAP" Estrada thuộc đảng Sức mạnh Quần chúng Philippines và nhiều ứng cử viên khác.

Philippines chờ đợi những thay đổi lớn - 2


Cojuangco Aquino III, một trong 3 ứng cử viên nặng ký

Aquino III, năm nay 51 tuổi, là con trai thần tượng dân chủ Corazon Aquino và Thượng nghị sỹ tỷ phú Manuel Villar. Aquino học văn, nhưng tiếp bước cha tham gia chính trị và đã trúng cử Hạ viện năm 1998, vào Thượng viện năm 2007. Hiện Aquino là Phó Chủ tịch đảng Tự do. Cuộc điều tra dư luận của hãng Pulse Asia cho thấy ông này đang dẫn đầu với 39% số phiếu ủng hộ. Tỷ lệ ủng hộ Aquino vẫn giữ vững ở mức trên 35% kể từ khi các cơ quan thăm dò dư luận độc lập chính là SWS và Pulse Asia bắt đầu tiến hành các cuộc thăm dò đối với các ứng viên tổng thống hồi cuối năm ngoái.

Villar, 62 tuổi, từng là một ông trùm bất động sản. Villar vào Hạ viện năm 1992. Sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Hạ viện và giữ chức Chủ tịch Thượng viện từ năm 2006 đến 2008. Từ năm 2004, ông là Chủ tịch đảng Nacionalista. Thượng viện Philippines tố cáo là ông Villar đã kiếm rất nhiều tiền qua các dự án dưới thời Tổng thống Arroyo, yêu cầu ông này trả lại 6,1 tỷ peso do vi phạm các quy định, nhưng đến nay ông Villar vẫn bác bỏ. Tỷ lệ ủng hộ dành cho Villar đã giảm kể từ tháng 2 một phần do những cáo buộc liên quan đến vấn đề này.

Còn ông Estrada được bầu làm tổng thống năm 1998 và đã bị lật đổ năm 2001 với cáo buộc phạm tội tham nhũng. Bị kết án tù chung thân vì tội cướp bóc tháng 9/2007, nhưng chỉ vài tuần sau đó, Estrada được Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo ân xá. Do nhiệm kỳ tổng thống của ông (từ năm 1998 đến 2004) bị gián đoạn giữa chừng, ông được phép ra tranh cử tổng thống năm 2010. Trong cuộc điều tra dư luận của Pulse Asia, Villar và Estrada có số phiếu ủng hộ tương đương nhau là 20%.

Cương lĩnh tranh cử của cả ba ứng cử viên hàng đầu này đều tập trung vào chống đói nghèo và tham nhũng. Trong các cuộc điều tra dư luận, Aquino và Villar đã bỏ xa cựu Tổng thống Joseph Estrada. Với phong cách trái ngược nhau, Aquino và Villar nổi lên như những ứng cử viên sáng giá. Thượng nghị sĩ Villar có thể dựa vào sự ủng hộ của tầng lớp nghèo, trong khi Thượng nghị sĩ Aquino lại trông cậy vào danh tiếng của cha mẹ đã quá cố. Cuộc đua Aquino - Villar hứa hẹn một kết quả sít sao.

Nguyễn Viết
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm