1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Philippines chịu thiệt hại ra sao sau tuyên bố "chia tay" Mỹ của Tổng thống Duterte?

(Dân trí) - Mỹ sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong quá trình "xoay trục" sang châu Á nếu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kiên quyết thúc đẩy tuyên bố "tách" khỏi Washington. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định Manila cũng sẽ thiệt hại không kém nếu lựa chọn con đường hướng sang Trung Quốc, kể cả khi cường quốc này cam kết hỗ trợ cho quốc gia Đông Nam Á vay hàng tỷ USD trong thời gian tới.

Đặc nhiệm Mỹ tại Philippines. (Ảnh: AP)
Đặc nhiệm Mỹ tại Philippines. (Ảnh: AP)

Trước những tuyên bố "chê" Mỹ, đồng thời hướng tới Trung Quốc và có thể là Nga, nhiều nhà quan sát cho rằng thái độ "chống Mỹ" của Tổng thống Duterte có thể sẽ mang tới nhiều bất lợi cho Manila. Theo đánh giá, sự thay đổi trong quan hệ đồng minh của nước này có thể đe doạ tới vai trò của Philippines tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), làm phức tạp vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, ảnh hưởng quá trình hiện đại hoá quân đội nước này cũng như cuộc chiến chống các nhóm ly khai và thánh chiến ở miền Nam.

Vai trò của Philippines tại ASEAN

Dưới thời tổng thống tiền nhiệm của ông Duterte, Philippines đã đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Toà trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) năm 2013. Tháng 7 vừa qua, tòa đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, đồng thời tuyên bố mọi hoạt động cải tạo đảo của Bắc Kinh ở Biển Đông là phi pháp.

Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 6, Tổng thống Duterte đã ám chỉ tới việc "bỏ qua" phán quyết của tòa trọng tài và đàm phán trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Ông Mohan Malik, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương, đã nhận định về "gói viện trợ" mà Trung Quốc đưa ra trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây của Tổng thống Duterte rằng: "Không sớm thì muộn, Tổng thống Duterte sẽ phải chịu trách nhiệm nếu ông ấy đổi chủ quyền lãnh thổ lấy các thoả thuận trị giá 13,5 tỷ USD".

Kể cả khi Tổng thống Duterte đẩy Philippines vào "quỹ đạo" của Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực vẫn đang tìm cách duy trì sự cân bằng với việc tăng cường hợp tác với Mỹ. Theo kế hoạch, Philippines sẽ là quốc gia giữ ghế Chủ tịch ASEAN vào năm tới. Mặc dù một số quốc gia ASEAN có thái độ "hướng" sang Trung Quốc thời gian qua thì quyết định "tách" Mỹ mới đây của Tổng thống Duterte được coi là hành động đi ngược lại quan điểm của các nước từng “đồng lòng” với Manila trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Ông Virginia Bacay Watson, chuyên gia về Philippines tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: "Ông Duterte không thể rời xa các quốc gia trong khu vực có liên quan trực tiếp đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông".

Một vài quan chức cấp cao của Philippines cũng tuyên bố rằng Tổng thống Duterte có thể sẽ phải đối mặt với phiên luận tội nếu ông từ bỏ chủ quyền bãi cạn Scarborough mà nước này đang tranh chấp với Trung Quốc. Theo đánh giá, nếu viễn cảnh này xảy ra, Philippines có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: GettyImages)
Tổng thống Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: GettyImages)

Tác động tới lực lượng quân đội Philippines

Bên cạnh đó, Lực lượng Vũ trang Philippines cũng sẽ phải chịu tác động mạnh nếu Tổng thống Duterte kiên quyết "tách" khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực quân sự. Quân đội Philippines, vốn nhiều loại vũ khí đã trở nên lạc hậu và ngân sách quốc phòng không lớn trong thời gian qua, rõ ràng được hưởng lợi từ thoả thuận song phương mới đây về việc cho phép Mỹ tăng cường hiện diện tại các căn cứ của quốc gia Đông Nam Á. Ông Patricio Abinales - Giáo sư giảng dạy Chương trình Nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii-Manoa, cho rằng: "Quân đội Philippines có mối quan hệ rất chặt chẽ với Mỹ, từ huấn luyện quân sự tới cách lên kế hoạch và các loại vũ khí mà họ đang sử dụng. Tôi nghĩ quân đội Philippines sẽ đưa ra các kế hoạch rạch ròi của họ và tuyên bố: “Không, chúng tôi vẫn sẽ giữ quan hệ với Mỹ”. Mối quan hệ song phương giữa quân đội hai nước đã phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua".

Trong quá khứ, Philippines từng cho phép các đơn vị của Mỹ tới đồn trú ở những căn cứ của nước này trong hàng chục năm trước khi quyết định dừng kế hoạch này vào năm 1991. Sau đó, quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã được đẩy mạnh kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ, lúc đó hai nước đã tìm thấy "điểm chung" trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố thánh chiến. Năm 2001, nhóm cực đoan Abu Sayyaf, có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, đã thực hiện vụ bắt cóc quy mô lớn ở đảo Palawan của Philippines. Một con tin người Mỹ đã bị hành quyết dã man và cuộc khủng hoảng con tin này kéo dài nhiều tháng sau đó khi một nhà truyền giáo Mỹ thiệt mạng trong chiến dịch tấn công của quân đội Philippines nhằm giải cứu những con tin còn lại.

Năm 2002, Mỹ, quốc gia lúc đó đã phát động chiến dịch đưa quân vào Afghanistan để tiêu diệt al-Qaeda và các phần tử cực đoan Taliban, đã mở "mặt trận thứ 2" nhằm vào chủ nghĩa khủng bố khi điều các đơn vị đặc nhiệm tới Philippines để hỗ trợ quân đội chính phủ nước này tấn công những nhóm Thánh chiến ở Mindanao. Theo thống kê, số binh sĩ Mỹ có mặt tại Philippines vào năm 2010 lên tới 600 người. Các nhiệm vụ chủ yếu của quân đội Mỹ tại đây là huấn luyện và hỗ trợ các đơn vị Philippines trong cuộc chiến chống khủng bố. Kết quả thu lại khá rõ ràng khi những nhóm cực đoan ở quốc gia Đông Nam Á này dần mất những địa bàn hoạt động chiến lược.

Tháng trước, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết số lượng lính đặc nhiệm Mỹ hoạt động tại Philippines dao động từ 50 tới 100 lính, phụ thuộc vào các đợt luân chuyển. Theo người phát ngôn này, thường có khoảng từ 300 tới 500 lính Mỹ tại Philippines để hỗ trợ cho các hoạt động và những đợt huấn luyện song phương thường niên. Quan hệ quốc phòng song phương cũng được thể hiện rõ khi cuộc tập trận Balikatan giữa Mỹ và Philippines được tổ chức trong hơn 30 năm qua, với nhiều quan sát viên quân sự tới từ các quốc gia trong khu vực.

Binh sĩ Lục quân Mỹ diễn tập tại trại huấn luyện quân sự Fort Magsaysay, phía bắc Manila, Philippines (Ảnh: VOA)
Binh sĩ Lục quân Mỹ diễn tập tại trại huấn luyện quân sự Fort Magsaysay, phía bắc Manila, Philippines (Ảnh: VOA)

Với việc Tổng thống Duterte tuyên bố muốn toàn bộ "binh sĩ nước ngoài" rời Philippines trong 2 năm tới, nhà phân tích Abinales cho biết ông nghi ngờ về khả năng giới lãnh đạo cấp cao của quân đội Philippines sẽ ủng hộ kế hoạch của Tổng thống về việc "từ bỏ" đồng minh Mỹ. Trung tướng Conrado Parra, Jr. - Phó Tư lệnh Không quân Philippines từng nói trong cuộc đối thoại thường niên lần thứ 5 giữa quân đội hai nước ở Hawaii hồi cuối tháng 8: "Sự tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines như một sự trấn an".

Giáo sư Abinales cho biết thêm rằng quân đội Philippines nhận thấy rằng "họ kiểm soát được mối lo ngại từ những nhóm khủng bố ở miền Nam vì sự hỗ trợ và các thông tin tình báo mà lực lượng đặc nhiệm Mỹ cung cấp. Ông nói: "Tôi nghĩ Trung Quốc không có khả năng đó".

Cũng chưa rõ Tổng thống Duterte sẽ thực hiện quá trình "tách" khỏi Mỹ như thế nào. Giáo sư Abinales cho rằng có thể Philippines sẽ quay lưng lại với một liên minh mới nổi gồm các quốc gia ở Thái Bình Dương đang hướng sang Mỹ để tìm kiếm sự cân bằng trước quá trình "bành trướng" của Trung Quốc. Theo ông, động thái này sẽ vấp phải quan điểm phản đối từ những nước như Singapore, Australia, Indonesia và Malaysia, vốn luôn hoan nghênh các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ. Giáo sư Abinales nói: "Những nước đó vẫn có lợi ích trong việc duy trì quan hệ với Mỹ. Họ sẽ không coi thay đổi trong quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc là “một điều gì đó tích cực".

Ngọc Anh

Theo Stripes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm