1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phía sau sự cứng rắn của Iran khi “cự tuyệt” đàm phán với Mỹ

(Dân trí) - Cùng là hai quốc gia bị Mỹ trừng phạt vì chương trình hạt nhân, nhưng chỉ Triều Tiên đồng ý đàm phán với Tổng thống Donald Trump, trong khi Iran vẫn kiên quyết cứng rắn với ông chủ Nhà Trắng.

Phía sau sự cứng rắn của Iran khi “cự tuyệt” đàm phán với Mỹ - 1

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP)

Tổng thống Donald Trump muốn ngồi xuống đàm phán với các nhà lãnh đạo Iran, tuy nhiên họ không sẵn sàng đối thoại với ông chủ Nhà Trắng. Điều này đã hé lộ những hạn chế trong chiến thuật ngoại giao cá nhân của tổng thống Mỹ.

Trong khi Triều Tiên, một nước cũng được coi là đối đầu với Mỹ, đã chấp nhận đàm phán song phương với Tổng thống Trump, Iran ngày 7/7 vẫn “tung đòn” khiêu khích để đáp lại chiến thuật vừa thỉnh cầu đàm phán, vừa trừng phạt kinh tế của chính quyền Trump.

Giới chức Iran hôm qua thông báo chỉ trong vài giờ nữa, họ sẽ bắt đầu quá trình làm giàu uranium vượt mức giới hạn được quy định theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran với 6 cường quốc. Iran cũng tuyên bố cứ 60 ngày một lần, nước này sẽ giảm dần việc thi hành các cam kết trong hiệp ước hạt nhân, nếu các cường quốc không có động thái bảo vệ Tehran trước các lệnh trừng phạt do Washington áp đặt sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm ngoái.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để làm giàu uranium ở bất kỳ cấp độ nào và với bất kỳ số lượng nào”, người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết.

Cách tiếp cận trên đã đẩy Iran và Mỹ vào nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự.

Tuy nhiên, giới phân tích và quan chức nhận định các động thái của Iran là “canh bạc” có tính toán. Đây là nỗ lực của Tehran nhằm chỉ trích Tổng thống Trump và gây sức ép với các nhà lãnh đạo châu Âu, những người đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân và đối phó với Mỹ. Iran có thể cũng đang đánh cược rằng, Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo vốn không hứng thú với chiến tranh, sẽ xuống thang trước và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy đàm phán.

“Iran đang thử nghiệm các giới hạn để xem phản ứng của Mỹ cũng như các bên chủ chốt khác. Đây là cách rất hiệu quả để đọc vị một chính quyền Mỹ xoay như chong chóng, đồng thời kích động tâm lý khẩn trương đối với các bên khác trong thỏa thuận hạt nhân”, Suzanne Maloney, một học giả về Iran tại Viện nghiên cứu Brookings, nhận định.

Một quan chức Mỹ nói với Politico rằng, chính quyền Trump đang đặt hy vọng vào 3 vấn đề: thứ nhất, châu Âu sẽ áp thêm lệnh trừng phạt đối với Iran để ngăn nước này tiếp tục vi phạm thỏa thuận; thứ hai, cơ chế tài chính do châu Âu thiết lập nhằm giúp Iran có được những hàng hóa không bị trừng phạt sẽ thành công; thứ ba, các động thái quân sự của Mỹ tại Trung Đông đủ mạnh để ngăn Iran leo thang căng thẳng.

“Về cơ bản, chúng tôi vẫn muốn họ ở lại thỏa thuận”, quan chức Mỹ trả lời khi được hỏi lý do chính quyền Trump muốn cơ chế tài chính của châu Âu nhằm hỗ trợ Iran, hay còn gọi là INSTEX, hoạt động hiệu quả. Quan chức này nói rằng Mỹ không mong muốn tham gia vào một cuộc chiến toàn diện với Iran hay chứng kiến Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Iran và Triều Tiên

Phía sau sự cứng rắn của Iran khi “cự tuyệt” đàm phán với Mỹ - 2

Tổng thống Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên tại khu phi quân sự Hàn - Triều ngày 30/6 (Ảnh: Reuters)

Cả Iran và Triều Tiên đều đối mặt với cơn thịnh nộ của Tổng thống Trump về chương trình hạt nhân, bao gồm việc áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người đã sở hữu vũ khí hạt nhân, chấp nhận đối thoại, trong khi các lãnh đạo Hồi giáo của Iran, những người chưa có vũ khí hạt nhân, vẫn chưa sẵn sàng đàm phán với ông chủ Nhà Trắng.

Có nhiều lý do để giải thích cho sự khác biệt trên. Iran có hệ tư tưởng chống Mỹ được ấp ủ từ cuộc cách mạng cách đây 40 năm. Các nhà lãnh đạo Iran hiếm khi có phản hồi tích cực với những lời hăm dọa và chỉ trích từ một đất nước mà họ gọi là “Quỷ Satan”. Không giống Triều Tiên, nơi ông Kim Jong-un nắm quyền lãnh đạo với quyền lực tối cao, Iran chứng kiến cuộc cạnh tranh giữa các trung tâm quyền lực, ngay cả khi lãnh tụ tối cao Ali Khamenei về mặt kỹ thuật là người có tiếng nói cuối cùng.

Iran vẫn đang phải gánh chịu hệ quả từ quyết định của Tổng thống Trump khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân. Ngoài ra, có một mối nghi ngờ vẫn đang tồn tại tại Tehran, đó là chính quyền Trump thực sự muốn lật đổ chính quyền Iran.

Khác với Iran, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể nhìn thấy lợi ích từ việc đối thoại hơn là chọc tức Tổng thống Trump. Ông Kim Jong-un sẵn sàng thử nghiệm con đường đàm phán vì Triều Tiên đã phát triển xong kho vũ khí hạt nhân và không còn quá lo ngại về một cuộc tấn công từ Mỹ.

Theo một số chuyên gia phân tích, mục tiêu của ông Kim Jong-un là cải thiện nền kinh tế Triều Tiên và củng cố quyền lực bằng việc thuyết phục Tổng thống Trump dỡ bỏ trừng phạt. Ông Kim Jong-un có lẽ đánh cược rằng, ông có thể thuyết phục ông Trump dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt để đổi lấy những cam kết giới hạn về hạt nhân.

Trong khi đó, Iran vẫn khẳng định rằng họ không có mong muốn chế tạo vũ khí hạt nhân. Quốc gia dầu mỏ này luôn tuyên bố chương trình hạt nhân của họ phục vụ mục đích hòa bình, chẳng hạn để sản xuất điện. Tuy vậy, vẫn luôn tồn tại một khả năng rằng, sự sẵn lòng của Tổng thống Trump trong việc đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể khiến Iran nhận ra sự cần thiết của việc chế tạo vũ khí hạt nhân để làm cán cân đối trọng về lâu dài với Mỹ.

Nếu Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, họ có thể đối mặt với hệ quả ngay lập tức, bao gồm khả năng xảy ra cuộc chiến mới tại Trung Đông hoặc một cuộc chạy đua vũ trang. Các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, trong đó đáng kể nhất là Israel, Ả rập Xê út và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, đều không muốn nhìn thấy Iran trở thành một quốc gia hạt nhân. Israel thậm chí từng cảnh báo sẽ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự đang tăng nhiệt tại Trung Đông, sau một loạt cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở dầu quốc tế mà Mỹ đổ lỗi cho Iran đứng đằng sau. Washington cũng đưa hàng trăm binh sĩ tới khu vực để “nắn gân” Tehran.

Đối với một số nhà quan sát Iran, quốc gia Trung Đông sai lầm khi không đối thoại với Tổng thống Trump ở thời điểm hiện tại.

“Sẽ là khôn ngoan nếu lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei học theo cách tiếp cận của ông Kim Jong-un. Một thỏa thuận thế kỷ có thể sẽ chờ phía trước nếu ông ấy bỏ qua một bên hàng chục năm mang tư tưởng chống Mỹ, và gặp ông Trump tại một hội nghị thượng đỉnh”, chuyên gia Mark Dubowitz tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, nhận định.

Chính quyền Iran có thể đang chờ đợi viễn cảnh ông Trump không tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào năm 2020. Lãnh đạo Iran có thể thấy dễ dàng hơn trong việc đàm phán với tổng thống mới của Mỹ, thay vì với một vị tổng thống đã xé bỏ thỏa thuận hạt nhân.

Xét đến những thiệt hại mà nền kinh tế Iran đang phải gánh chịu do các lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump, Iran dường như không có nhiều lựa chọn, ngoài việc đối thoại với Mỹ sau khi ông Trump tái đắc cử.

Thành Đạt

Theo Politico