Phía sau động thái thăm đảo tranh chấp của Tổng thống Hàn Quốc
(Dân trí) – Khi quyết định tới thăm khu vực đảo tranh chấp với Nhật Bản, hẳn Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ý thức rất rõ những sóng gió ngoại giao có thể sẽ nổi lên. Thế nhưng, ông vẫn quyết định thực hiện chuyến đi hôm 10/8. Ý đồ thực sự của ông là gì?
Ngày 10/8, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã thực hiện chuyến thăm tới đảo tranh chấp với Nhật Bản hiện do Seoul kiểm soát. Hòn đảo này được Hàn Quốc gọi là Dokdo, còn Nhật Bản gọi là Takeshima.
Khi một nguyên thủ quốc gia tới thăm khu vực tranh chấp chủ quyền với nước khác, hành động đó được xem như hành động khiêu khích và coi thường nước kia. Chuyến thăm của ông Lee Myung-bak, vì thế, đã lập tức khuấy lên làn sóng giận dữ ở Nhật Bản, đồng thời tạo ra vết cắt làm xói mòn lòng tin cũng như mối quan hệ song phương tốt đẹp mà 2 nước đã dày công gây dựng thời gian qua.
Cả nước Nhật phẫn nộ
Thất vọng, tức giận và phẫn nộ, đó là những cung bậc cảm xúc của dư luận Nhật Bản trong những ngày gần đây, kể từ khi nhận được thông tin về kế hoạch thăm đảo Takeshima/Dokdo của Tổng thống Hàn Quốc cho đến khi ông chính thức đặt chân lên hòn đảo này.
Trong bài bình luận đưa ra ngay sau khi Tổng thống Lee Myung-bak đặt chân lên đảo tranh chấp, nhật báo Yomiuri của Nhật Bản khẳng định: "Do các vấn đề lãnh thổ gắn liền với chủ quyền quốc gia nên chính phủ Nhật Bản không nên xem nhẹ chuyến thăm của ông Lee Myung-bak".
Trên phương diện ngoại giao, Thủ tướng Nhật Bản Noda đã bày tỏ thất vọng lớn về chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Hàn Quốc.
"Đây là điều không thể chấp nhận được. Tokyo sẽ đáp trả cương quyết sau vụ việc này", ông Noda khẳng định.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba tức tốc triệu Đại sứ Hàn Quốc đến trụ sở Bộ Ngoại giao để khiển trách, đồng thời tạm rút Đại sứ Nhật Bản ở Seoul là ông Masatoshi Muto về nước.
Ông Gemba cũng cho biết Tokyo đang cân nhắc đưa vấn đề Takeshima/Dokdo lên Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) tại La Hay.
Những động thái đáp trả của Nhật Bản hoàn toàn có thể hiểu được về mặt ngoại giao, đặc biệt nếu xét trong bối cảnh Hàn Quốc đã liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận gần Dokdo/Takeshima trong những năm gần đây và đang manh nha “ý đồ” nâng cấp hòn đảo tranh chấp này thành căn cứ quân sự chiến lược trên vùng biển Nhật Bản.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu động thái đáp trả của chính phủ Nhật Bản có thực sự mang lại hiệu quả, khi mà Tokyo đã hai lần không thể ngăn cản chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga Dmitry Medvedev đến đảo tranh chấp Kunashiri (theo cách gọi của Nhật Bản), hay Kunashir (theo cách gọi của Nga).
Kunashiri/Kunashir là một trong 4 hòn đảo mà Nhật Bản tuyên bố có chủ quyền, nhưng đang nằm dưới sự quản lý của phía Nga. Chuyến thăm đầu tiên của ông Medvedev được tiến hành cách đây 2 năm trên cương vị Tổng thống và chuyến thăm mới nhất vừa diễn ra tháng 7 vừa qua trên cương vị Thủ tướng.
Toan tính của Hàn Quốc
Có lẽ, chính sự "mềm lòng” của chính phủ Nhật Bản trong vấn đề "lãnh thổ phương Bắc" là nguyên nhân khiến Seoul đi đến quyết định "nắn gân" Tokyo vào thời điểm này, hòng lôi kéo mọi con mắt hướng ra bên ngoài trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đang cận kề.
Đối với Seoul, chuyến thăm đảo Takeshima/Dokdo gây tranh cãi của Tổng thống Lee Myung-bak là hành động “bắn một mũi tên trúng nhiều đích".
Thứ nhất, chuyến thăm này giúp giới cầm quyền ở Hàn Quốc thể hiện được thái độ cứng rắn cần thiết với Nhật Bản để lấy lòng cử tri trong nước, sau khi các đảng đối lập cũng đang tỏ rõ lập trường tương tự với Tokyo.
Thứ hai, Hàn Quốc muốn thử xem Nhật Bản sẽ phản ứng gay gắt tới cỡ nào trong vấn đề tranh chấp tranh chấp chủ quyền với Hàn Quốc. Việc Nhật Bản đang phải đau đấu đối phó với Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vô hình chung đã trở thành “cơ hội vàng” để Hàn Quốc đẩy thêm một bước việc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Dokdo. Rõ ràng, khi phải đương đầu cùng lúc với cả hai “đối thủ”, hành động trả đũa của Tokyo sẽ “bớt lửa” hơn nhiều.
Thứ ba, đối với người dân Hàn Quốc, Dokdo/Takeshima là biểu tượng của tinh thần độc lập và lòng yêu nước. Tuy nhiên, do các vấn đề tranh cãi lịch sử nên các đời tổng thống trước đây - ngay cả người tiền nhiệm của ông Lee Myung-bak là cố Tổng thống Roo Mu Hyun vốn là người nổi tiếng cứng rắn chống Nhật - cũng không hề tới thăm các đảo tranh chấp để luôn giữ cho quan hệ song phương không bị xói mòn. Việc Tổng thống Lee Myung-bak vượt qua ranh giới đó chắc hẳn không nằm ngoài mục đích muốn lấy lại tiếng tăm trong những ngày cuối nhiệm kỳ. Điều này càng trở nên cần thiết khi thời gian gần đây, chiếc ghế của ông đang bị “rung lắc” mạnh bởi những hành vi tham nhũng và quan hệ bê bối của anh trai và các cộng sự thân tín khác.
Trong lịch sử Hàn Quốc, ông Lee Myung-bak là Tổng thống đầu tiên tới thăm Takeshima/Dokdo. Hồi năm 2008, Thủ tướng Hàn Quốc khi đó là ông Han Seung-soo cũng tới thăm quần đảo này, gây ra một cuộc tranh cãi với Nhật Bản.
Đức Vũ