Phe nổi dậy đặt điều kiện đàm phán với Tổng thống Libya
(Dân trí) - Các phần tử nổi dậy ở phía đông Libya một lần nữa kêu gọi sự can thiệp của quốc tế và tuyên bố họ sẽ không đàm phán trừ khi Tổng thống Muammar Gaddafi từ chức và sống lưu vong. Trong khi đó NATO cho biết không có ý định can thiệp vào Libya.
Hội đồng quốc gia Libya của lực lượng nổi dậy chống chính phủ tại thành phố Benghazi, miền đông Libya, một lần nữa kêu gọi sự can thiệp của quốc tế nhằm ngăn chặn các cuộc không kích của chính phủ nhằm vào người biểu tình.
Trong khi đó, Tòa án tội phạm quốc tế cho biết tòa án này sẽ điều tra Đại tá Gaddafi và một số con trai của ông này về các tội danh chống lại loài người.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc lại lời kêu gọi Tổng thống Gaddafi từ chức.
Tại Benghazi, Hội đồng quốc gia Libya tuyên bố không đàm phán, sau khi xuất hiện các thông tin nói rằng ông Gaddafi đã lệnh cho một quan chức tình báo đàm phán với những phần tử nổi dậy.
Hội đồng này do cựu Bộ trưởng nội vụ Libya Mustafa Abdel-Jalil, người đã từ chức hồi tháng trước và tham gia cuộc nổi dậy, đứng đầu.
“Nếu có một cuộc đàm phán thì chỉ có một điều duy nhất - ông Gaddafi sẽ từ chức và rời khỏi đất nước như thế nào để chúng ta có thể cứu các mạng sống. Ngoài ra, không còn gì khác để thương lượng.”, Ahmed Jabreel, phát ngôn viên của ông Abdel-Jalil, nói.
Phe nổi dậy - bao gồm lực lượng dân quân và những người đào ngũ, vẫn đang nắm quyền kiểm soát cảng quan trọng Brega, nơi có nhà máy lọc dầu lớn thứ 2 Libya.
Hôm qua, lực lượng chính phủ đã tiến hành một cuộc khích mới tại Brega nhưng bỏ qua cảng dầu của thành phố này và không thương vong nào được thông báo.
Ông Rasmussen cũng nhấn mạnh rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thẩm quyền quyết định về bất cứ hành động quân sự nào tại Libya, trong đó có việc đặt ra một vùng cấm bay.
Về phần mình, Pháp tỏ ra khá miễn cưỡng đối với giải pháp can thiệp quân sự. Ngoại trưởng Alain Juppe cho biết kế hoạch lập vùng cấm bay chỉ nên được thực thi trong trường hợp LHQ kêu gọi áp dụng biện pháp này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - đã bác bỏ mọi khả năng can thiệp quân sự, coi đây là "hành động phi lý."
Ông Obama cũng tuyên bố ông đã cho phép sử dụng trực thăng quân đội Mỹ để giúp di tản hàng chục nghìn lao động di cư khỏi Libya.
Trả lời câu hỏi rằng liệu ông có ủng hộ một vùng cấm bay được thiết lập trên bầu trời Libya hay không - một yêu cầu chính của phe nổi dậy - ông Obama nói ông đang xem xét mọi giải pháp.
Bà Catherine Ashton, đại diện cấp cao của EU về đối ngoại và chính sách an ninh, ngày 3/3 cho hay ngoại trưởng các quốc gia thành viên sẽ nhóm họp tại Bruxelles từ ngày 10/3 tới để thảo luận về vấn đề Libya.
Luis Moreno-Ocampo, trưởng công tố của Tòa án tội phạm quốc tế, cho hay Đại tá Gaddafi và các phụ tá thân cận đang bị theo dõi. Tòa này đã xác định ít nhất 9 vụ việc mà trong đó ông Gaddafi và các phụ tá gây ra các tội ác chống lại loài người, trong đó có vụ sát hại 257 dân thường tại Benghazi hồi tháng trước.
Phát ngôn viên chính phủ Libya Moussa Ibrahim nói vụ việc trên “là trò hề”, được dựng lên hoàn toàn dựa trên các nguồn tin báo chí.
An Bình - Phan Anh
Tổng hợp