1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phát hiện hố đen khổng lồ trong vũ trụ

(Dân trí) – Qua kính thiên văn, các nhà khoa học của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã quan sát thấy một hố đen cực lớn đang hình thành trong vũ trụ, tại một dải ngân hà cách Trái đất 4 tỷ năm ánh sáng.

Suốt 2 năm qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu rất kỹ các hiện tượng xảy ra khi một ngôi sao bị hố đen “phá vỡ” trong quá trình “nuốt chửng”. Các nhà khoa học đã sử dụng kính thiên văn Galaxy Evolution Explorer của NASA, có khả năng nhận biết hai dải bước sóng cực tím, và phát hiện một chớp sáng phát ra từ giữa một dải Ngân hà trong vũ trụ, do một ngôi sao đã bị "xé rách" và hút vào trong hố đen.

 

Ngôi sao “kém may mắn” này đã bay quá gần hố đen nên bị sức hút của hố đen kéo vào và "xé rách". Sau đó tất cả bị hút vào trong lòng hố đen, tạo ra các chùm tia cực tím lóe sáng.

 

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chụp được hiện tượng này. Phải 10.000 năm mới có một lần có một ngôi sao rơi vào quỹ đạo đủ gần để bị hút vào trong hố đen.

 

Các nhà khoa học đã quan sát hệ Ngân hà trong suốt năm 2003 nhưng chưa một lần quan sát thấy chớp sáng nào phát ra. Đến năm 2004, họ bất ngờ nhìn thấy nguồn ánh sáng này lóe lên và cho rằng chỉ có một cách giải thích duy nhất là ánh sáng được tạo ra khi hố đen “nuốt” một ngôi sao.

 

Các nhà khoa học hy vọng những phát hiện mới này sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về các hố đen trong vũ trụ. Lâu nay người ta vẫn tin rằng hố đen là một vật thể khổng lồ có sức hút cực lớn nằm ở trung tâm của mọi Ngân hà, kể cả dải Ngân hà chứa hệ Mặt trời của chúng ta.

 

Ngoài kính thiên văn Galaxy Evolution Explorer, các nhà khoa học còn sử dụng các dữ liệu thu được từ kính viễn vọng Chandra X-ray Observatory của NASA, kính thiên văn Canada France Hawaii Telescope đặt ở Hawaii và kính Keck cũng ở Hawaii.

 

Đặng Lê

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm