1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phát hiện hành tinh có thể là Trái đất thứ 2 cho con người

(Dân trí) - Các nhà thiên văn học Mỹ ngày 29/9 cho hay họ đã phát hiện thấy một hành tinh có kích thước bằng Trái đất và con người có thể ở được.

Phát hiện hành tinh có thể là Trái đất thứ 2 cho con người - 1
Vogt cho rằng còn rất nhiều hành tinh nữa giống Gliese 581g (màu xanh trong ảnh minh họa) trong vũ trụ.
 

Hành tinh được các nhà thiên văn học tại trường Đại học California, Santa Cruz, và Viện Carnegie Institution of Washington tìm thấy. Nó đang ở giữa một “khu vực con người có thể sống được” của sao lùn đỏ Gliese 581. Điều này có nghĩa là trên bề mặt hành tinh có thể có nước.

 

Theo các nhà khoa học, nước và không khí là những yếu tố cần thiết cho hành tinh duy trì sự sống.

 

Các nhà khoa học đặt tên cho hành tinh này là Gliese 581g. Họ xác định hành tinh có khối lượng lớn gấp 3 tới 4 lần Trái đất, và vòng quay quanh quỹ đạo của hành tinh này chỉ dưới 37 ngày.

 

Khối lượng của hành tinh cho thấy đây có thể là một hành tinh cấu tạo từ đất đá và trọng lực của nó đủ lớn để có bầu khí quyển, Steven Vogt, một trưởng nhóm phát hiện ra hành tinh cho hay.

 

Các nhà nghiên cứu ước tính, nếu Gliese 581g cấu tạo từ đất đá giống như Trái đất, thì đường kính của nó lớn gấp Trái đất khoảng 1,2 đến 1,4 lần.

 

Ngoài ra, trọng lực bề mặt của hành tinh này cũng có thể tương đương hoặc nhẹ hơn trên Trái đất, vì vậy con người có thể dễ dàng đi lại trên hành tinh.

 

Gliese 581g được các nhà khoa học phát hiện khi đang làm Khảo sát ngoại hành tinh Lick-Carnegie, với 11 năm quan sát sao lùn đỏ Gliese 581, nằm cách Trái đất 20 năm ánh sáng.

 

Đối với các nhà thiên văn hoc, 11 năm quan sát được cho là ngắn và 20 năm ánh sáng, bằng khoảng 117,5 nghìn tỷ dặm, cũng khá gần. Mặt trời nằm cách Trái đất của chúng ta chỉ 8 phút rưỡi ánh sáng.

 

Hành tinh mới được phát hiện có một mặt luôn quay về phía ngôi sao chủ của nó, vì vậy mặt này luôn tràn ngập trong ánh sáng, còn mặt kia luôn chìm trong bóng tối. Nhiệt độ bề mặt của hành tinh giảm dần khi đi về phía mặt tối, và tăng dần khi đi về phía sáng. Do vậy, các nhà khoa học đánh giá phần con người có thể ở được là giữa đường sáng và tối.

 

Các nhà nghiên cứu ước tính nhiệt độ trung bình trên hành tinh vào khoảng từ -31 đến -12 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ thực cũng có thể đi từ “nóng kinh hoàng trên mặt quay về phía ngôi sao tới băng giá ở mặt tối”họ cho hay.

 

Như vậy đã có 6 hành tinh được phát hiện quanh sao lùn đỏ Gliese 581. Đây là con số lớn nhất được phát hiện trong một hệ hành tinh, ngoài hệ Mặt trời của Trái đất chúng ta. Giống như các hành tinh trong hệ Mặt trời, các hành tinh quanh Gliese 581 cũng có quỹ đạo quay tròn.

 

Phan Anh

Theo AFP