Phát hiện cá mập “biết đi” ở Indonesia
(Dân trí) - Trong đợt tìm hiểu các loài động thực vật dưới lòng biển ngoài khơi tỉnh Papua, Indonesia, các nhà khoa học đã phát hiện được hàng chục loài sinh vật mới, trong đó có loài cá mập đi bằng vây và loài tôm giống như bọ ngựa đang chắp tay cầu nguyện.
Tuy nhiên, nhóm thuộc Cơ quan bảo tồn quốc tế có trụ sở ở Mỹ cũng cảnh báo khu vực mà họ vừa nghiên cứu, Khu đầu chim, đang nằm trong tình trạng báo động cao, do các ngư dân ở đây dùng thuốc nổ để đánh bắt cá. Họ kêu gọi chính phủ Indonesia mạnh tay hơn nữa để bảo vệ vùng biển đẹp có một không hai này. “Đây là một trong những vùng đẹp nhất trên hành tinh,” Mark Erdmann, cố vấn cấp cao của Cơ quan bảo tồn quốc tế cho hay. “Khung cảnh bên trên và bên dưới mặt nước biển đều đẹp đến mê hồn.”
Erdmann và đội của ông cho biết đã phát hiện được 52 loài sinh vật mới, trong đó có 24 loài cá, 20 loài san hô và 8 loài tôm. Đặc biệt nhất là cá mập có cầu vai, có thể dùng vây để “đi bộ”, và tôm giống như con bọ ngựa đang cầu nguyện.
Tuy nhiên, Carden Wallace, một chuyên gia về san hô thuộc Viện bảo tàng nhiệt đới Queensland ở Townsville, Australia, cho biết bà không ngạc nhiên trước những phát hiện mới trên. Bởi “đây là vùng xa xôi các nhà khoa học chưa đến khám phá nhiều.” Song Wallace khẳng định những phát hiện mới là dữ liệu quan trọng cho các nhà khoa học.
Còn Erdmann khẳng định phát hiện của họ đã củng cố thêm huyền thoại của vùng biển này, vùng biển trải rộng trên một diện tích hơn 100.000 m vuông, trên khắp vùng đông bắc tỉnh Papua của Indonesia. Được coi là “tam giác san hô” của châu Á, nơi đây là nhà của hơn 1.200 loài cá và gần 600 loài san hô ngầm, chiếm 75% tổng san hô của cả thế giới.
Một số loài sinh vật mới được phát hiện:
Trang Thu
Theo AP