1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phát hiện bất ngờ về căn bệnh bí ẩn các nhà ngoại giao Mỹ mắc tại Cuba

Nguyên nhân của căn bệnh bí ẩn mà hàng loạt nhà ngoại giao Mỹ mắc phải trong một thời gian dài ở Cuba đã được lý giải.

Phát hiện bất ngờ về căn bệnh bí ẩn các nhà ngoại giao Mỹ mắc tại Cuba - Ảnh 1.

ại sứ quán Mỹ ở Cuba, nơi căn bệnh bí ẩn được báo cáo. Ảnh: AFP.

Từ cuối năm 2016, Washington nhận được báo cáo về những triệu chứng lạ ảnh hưởng đến thính giác của các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Cuba. Kể từ thời điểm tháng 11.2016 đến tháng 8.2017, nhiều nhân viên ngoại giao Mỹ cho biết họ bị mất thính giác, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn khi nghe thấy các âm thanh có cường độ lớn trong phòng khách sạn hoặc tại nhà.

Giới chức Mỹ và Cuba tiến hành điều tra nguyên nhân căn bệnh bí ẩn nhưng không có kết luận nào được đưa ra. Sau đó Mỹ đổ lỗi cho các đặc vụ mật thực hiện "tấn công âm thanh".

Sự cố bí ẩn này khiến Mỹ rút phần lớn nhân viên ngoại giao khỏi Cuba, dẫn đến đóng băng một phần quan hệ đang ấm dần lên giữa Cuba với Mỹ vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, trong tuần này, nhà khoa học Alexander Stubbs, Đại học California, Berkely, công bố kết quả nghiên cứu xác định nguồn gốc của tiếng ồn bí ẩn, đập tan giả thuyết rằng "Hội chứng Havana" là tác phẩm của âm mưu thời Chiến tranh Lạnh.

Trình bày nghiên cứu của mình trước hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh học Tích hợp và So sánh, ông Stubbs cho biết tiếng ồn mà các nhà ngoại giao Mỹ nghe thấy là tiếng kêu của một loại côn trùng: Dế đuôi ngắn Ấn Độ.

Đáng chú ý, giả thuyết tiếng ồn của dế đã được các nhà khoa học Cuba chỉ ra vào cuối năm 2017. Hồi đó, xem xét các bằng chứng của Mỹ và dữ liệu ghi được của chính mình, các nhà khoa học Cuba cho biết tiếng ồn có thể xuất phát từ tiếng kêu của dế Jamaica, một loại côn trùng phổ biến ở quốc đảo này.

Tuy nhiên, điều này đã bị Washington bác bỏ vì tiếng kêu ngắn của dế Jamaica không khớp với âm thanh liên tục mà nhân viên ngoại giao Mỹ ở Cuba ghi lại và được AP công bố với công chúng.

Bằng cách so sánh những bản ghi âm của Mỹ với âm thanh của hàng trăm loại côn trùng, nhà khoa học Stubb đã phát hiện một số điểm tương đồng, nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Cho đến khi ông nhận ra rằng, các nhà ngoại giao Mỹ có thể đã ghi âm trong nhà, nên âm thanh của côn trùng bị thay đổi khi bị dội lại bởi những bức tường xung quanh.

Phân tích lại một lần nữa sau khi so sánh với âm thanh của côn trùng ở môi trường bên ngoài, Stubbs nhận thấy sự phù hợp hoàn hảo với tiếng kêu của dế Ấn Độ.

Mặc dù dế Ấn Độ không có nguồn gốc từ Cuba, nhưng thử nghiệm thêm với các chuyên gia âm thanh sinh học tại Đại học Lincoln, Anh, cho thấy tần số của sóng âm thanh nghe được tại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba phù hợp với âm thanh của dế Ấn Độ.

Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, một nghiên cứu khác của nhóm bác sĩ Đại học Miami và Đại học Pittsburgh đã phát hiện ra rằng các nhân viên đại sứ quán kêu ca về cơn đau dữ dội trong tai sau khi tiếp xúc với âm thanh thực ra là họ bị thương chứ không phải họ cường điệu. Tuy nhiên, họ không thể chỉ ra đâu là nguồn gốc của tiếng ồn.

Phát biểu với tờ The New York Times, ông Stubbs cho biết vẫn còn nhiều tranh cãi về tổn thương sức khoẻ mà các nhà ngoại giao Mỹ phải gánh chịu. "Tất cả những gì tôi có thể nói một cách dứt khoát là bản ghi âm mà AP đưa ra chính là âm thanh của tiếng dế, và chúng tôi nghĩ chúng tôi biết nó là loài côn trùng nào" - ông Stubbs nói.

Theo Song Minh

Lao Động