1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Pháp thắng thầu đóng tàu ngầm trị giá 39 tỷ USD cho Úc

(Dân trí) - Úc hôm nay 26/4 cho biết, Pháp đã trúng thầu hợp đồng mua sắm trang thiết bị lớn nhất lịch sử nước này, trị giá 38,5 tỷ USD. Theo đó, nhà thầu DCNS của Pháp sẽ giúp Úc chế tạo 12 tàu ngầm để thay thế hạm đội tàu ngầm đã lỗi thời mà Hải quân Hoàng gia Úc vẫn đang sử dụng.

a1-1461679442358

Tàu ngầm Shortfin Barracuda (Ảnh: DCNS Australia)

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tuyên bố, “tàu ngầm mới của Úc sẽ là những tàu ngầm hải quân tinh vi nhất thế giới”. Thủ tướng Turnbull cũng nhấn mạnh rằng hợp đồng ký với Pháp sẽ mang lại nhiều việc làm hơn cho người lao động Australia vì các tàu ngầm mới sẽ được chế tạo tại xưởng đóng tàu ASC ở thành phố Adelaide (Úc). Dự tính sẽ có thêm ít nhất 2.800 việc làm mới từ việc chế tạo tàu ngầm tại miền nam Úc.

“Hôm nay là một ngày trọng đại của Hải quân Úc, một ngày trọng đại của nền kinh tế thế kỷ 21 của Úc, một ngày trọng đại của người lao động Úc trong tương lai”, Thủ tướng Turnbull nhận định. “Người Úc sẽ chế tạo bằng thép của Úc, ngay tại đất nước Úc”, ông Turnbull nói thêm.

Tuyên bố của Thủ tướng Turnbull được đưa ra sau khi Nội các Úc nhóm họp và Ủy ban an ninh quốc gia phê chuẩn quyết định ký hợp đồng với nhà thầu Pháp. Những tàu ngầm mới sẽ thay thế hạm đội 6 tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Australia dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào giữa những năm 2020.

Tàu ngầm Pháp đóng cho Úc là loại tàu 4.500 tấn chạy bằng điện diesel, biến thể của tàu ngầm hạt nhân lớp Barracuda 4.700 tấn của Pháp. Nhờ có hệ thống bơm phản lực nên tàu ngầm mới sẽ di chuyển êm hơn. Tàu ngầm mới của Úc sẽ được gọi là Shortfin Barracuda, đặt theo tên của một loài cá ăn thịt được tìm thấy ở biển Úc.

“Mặc dù thông tin chi tiết vẫn chưa được tiết lộ nhưng nhà thầu DCNS có thể xác nhận rằng tàu ngầm Shortfin Barracuda dài hơn 90 mét và có trọng tải hơn 4.000 tấn khi xuống biển. Tàu ngầm Shortfin Barracuda sẽ vẫn hoạt động cho đến những năm 2060”, ông Sean Costello, Giám đốc điều hành tập đoàn DCNS cho biết.

Ngoài nhà thầu DCNS của Pháp, đợt đấu thầu trang thiết bị hải quân lịch sử này của Australia còn có sự tham gia của 2 nhà thầu khác là ThyssenKrupp Marine Systems của Đức và Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản. Cuối cùng, hồ sơ thầu của Pháp được đánh giá vượt trội hơn các đối thủ. Nếu Nhật Bản đưa ra phiên bản tàu ngầm 4.000 tấn lớp Soryu thì Đức lại chào hàng tàu ngầm 2.000 tấn loại Type 214.

Thành Đạt

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm