1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Pháp tham gia mặt trận chống IS tại Syria

(Dân trí) - "Tôi đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng bắt đầu từ ngày 8/9 triển khai máy bay do thám trên bầu trời Syria" - Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố tại một cuộc họp báo ở Paris hôm 7/9.

Pháp tham gia mặt trận chống IS tại Syria - 1

(Ảnh minh họa: PATRICK BAZ/AFP)

Báo Le Figaro dẫn lời Tổng thống Pháp François Hollande cho biết ông đã quyết định mở rộng chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, đồng thời nhận định: Sở dĩ có sự chuyển hướng chiến lược này là do thất bại của liên quân Ả Rập - Phương Tây trong cuộc chiến chống IS, cũng như sự dậm chân tại chỗ của các lực lượng chức năng trong trách nhiệm đối phó với mối đe dọa khủng bố vẫn đang gia tăng tại Pháp.

Trong bài viết có tựa đề “Sự quay ngoắt chiến lược của Hollande tại Syria” đăng trên Le Figaro hôm 8/9, tác giả cũng nêu những lý giải về sự thay đổi chiến lược này. Theo đó, khi quyết định cùng Liên quân phương Tây không kích lực lượng IS tại Iraq, Pháp vẫn từ chối tham gia mặt trận này tại Syria mặc dù vùng đất bị IS đánh chiếm trải dài qua lãnh thổ của cả Iraq và Syria mà trên thực tế không còn đường biên giới nào phân định rõ.

Thế nhưng theo quan điểm của Paris, có vẻ như IS và chính quyền của Tổng thống Syria Bachar al Assad không khác gì hai mặt của đồng xu và Pháp vẫn lo ngại các cuộc không kích vào IS sẽ càng giúp củng cố chế độ của ông al Assad. Nhưng giờ đây Paris xem ra phải nghĩ lại.

Thực tế cho thấy liên quân Ả rập-Phương Tây tỏ ra thất bại trong chiến lược ngăn chặn đà phát triển của IS nay đang áp sát cửa ngõ Damas. Trong khi đó cuộc khủng hoảng tại Syria được cho là nguồn nuôi dưỡng các mối đe dọa khủng bố nhiều nhất. Phần lớn những đối tượng chủ mưu hay âm mưu khủng bố đều dính líu đến lực lượng IS ở Syria.

Mặt khác, chính tình hình hỗn loạn ở Syria là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng di dân, đang chất thêm gánh nặng và tạo thêm thách thức với các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU).

Cũng theo phân tích của Le Figaro, trên phương diện địa chính trị, khu vực điểm nóng này thật ra đang có nhiều biến chuyển thuận lợi hơn với Paris. Thời gian qua, mối quan hệ giữa Pháp và một số quốc gia vùng Vịnh đã khởi sắc hơn, đặc biệt từ khi thỏa thuận hạt nhân với Iran được ký kết.

Và giữa lúc chế độ của Tổng thống al Assad được đánh giá là đang trên đường đi xuống, thì các quốc gia khác đã có ít nhiều ảnh hưởng tại khu vực này như Iran hay Nga càng muốn gia tăng sự hiện diện tại Syria. Pháp cũng không muốn chậm chân trong nỗ lực kiến tạo ảnh hưởng nhất định thể hiện qua các giải pháp chính trị nhằm giải bài toán khó Syria.

Nhưng động thái của Pháp tham gia chiến dịch không kích IS tại Syria, theo đánh giá của Le Figaro thật ra mang tính biểu tượng chính trị hơn là nhằm đạt được hiệu quả thực sự. Chiến dịch không kích cho đến nay vẫn chủ yếu do quân đội Mỹ đảm nhiệm (với khoảng 6.500 đợt), Không quân Pháp mới chỉ thực hiện 200 đợt không kích chống IS tại Iraq mà thôi.

Quý Cao