1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Pháp bẽ bàng với “cục nợ” tỷ đô vì thương vụ tàu Mistral

(Dân trí) - Không thể bán cho Nga vì sợ làm phật lòng các đồng minh tại NATO, càng không thể bán cho các nước khác vì Nga không cho phép, còn quân đội tuyên bố không cần dùng, Pháp đang đau đầu khi hai chiếc tàu sân bay 1,33 tỷ USD thành “cục nợ”, ngốn chi phí khủng khiếp.

Một tàu sân bay lớp Mistral của Pháp (Ảnh:
Một tàu sân bay lớp Mistral của Pháp (Ảnh: Telegraph)

Có lẽ khi ký kết hợp đồng cung cấp 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga năm 2011, chính phủ Pháp khó có thể ngờ mình lại rơi vào tình cảnh trớ trêu như hiện nay. Đây từng là dự án được chính quyền cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy kỳ vọng sẽ trở thành thương vụ cung cấp vũ khí lớn đầu tiên của phương Tây cho Nga, kể từ khi Liên Xô cũ sụp đổ.

Vậy nhưng căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến tình hình Ukraine đã khiến thương vụ không thể hoàn tất, dù tất cả đã sẵn sàng cho ngày bàn giao.

“Có 3 khả năng có thể xảy ra: giao hàng cho Nga, bán tàu cho nước nào đó khác hoặc phá hủy chúng”, một nguồn tin được tiếp cận với thương vụ này cho biết.

Hiện tại, việc giao hàng đang bị trì hoãn vô thời hạn, thay vì chính thức bị tuyên hủy. Vậy nhưng ngay cả người Nga cũng tuyên bố họ không còn mặn mà với việc nhận các tàu này.

Hơn thế nữa, các đồng minh của Pháp trong NATO, đặc biệt là Mỹ và Ba Lan - nước đang thương thảo thỏa thuận cung cấp vũ khí 6 tỷ euro với Pháp - sẽ nổi giận nếu Pháp cố tình bàn giao tàu cho Nga, khi mà cuộc khủng hoảng Ukraine chưa thấy lối thoát.

Cũng chính vì không được bàn giao theo hợp đồng, Mátxcơva đang yêu cầu Paris không những phải hoàn trả đủ các khoản tiền nước này đã thanh toán theo hợp đồng, mà phía Pháp còn phải chịu phạt vi phạm hợp đồng.

“Nga sẽ không nhận những con tàu đó - điều đó là việc đã định”, Oleg Bochkaryov, phó chủ tịch Ủy ban công nghiệp quân sự Nga khẳng định với tờ Kommersant hồi tuần trước. “Chỉ có một cuộc thương thảo đang diễn ra đó là: số tiền cần phải hoàn trả cho Nga”.

Bán hay đánh đắm?

Chiếc tàu sân bay đầu tiên, mang tên Vladivostok, lẽ ra phải được giao trong năm 2014. Chiếc thứ hai, mang tên Sebastopol, dự kiến phải được bàn giao trong năm 2016.

Các nguồn tin từ Pháp và Nga cho biết, Mátxcơva đang đòi bồi thường 1,163 tỷ Euro (1,29 tỷ USD), bao gồm khoảng 800 triệu Euro tiền Nga đã chuyển để thanh toán theo hợp đồng, và bồi thường cho các khoản chi phí phát sinh do mua sắm thiết bị để trang bị cho tàu, cũng như huấn luyện thủy thủ đoàn.

Đặc phái viên của Pháp Louis Gautier, người đang đi lại như con thoi giữa hai nước từ cuối tháng 3, chỉ chấp thuận trả 785 triệu Euro, con số mà theo truyền thông Nga là “không thể chấp nhận”, theo lời các quan chức nước này.

Gautier cũng yêu cầu Nga hoặc đóng góp chi phí để phá hủy tàu, hoặc phải cho phép Pháp bán 2 chiếc Mistral cho nước khác. Canada và Singapore được cho là tỏ ý quan tâm. Ai Cập, nước vừa mua các chiến đấu cơ và tàu khu trục của Pháp, cũng được cho là đang cân nhắc.

Thế nhưng quan chức cấp cao bộ quốc phòng Nga Yury Yakubov khẳng định với Interfax rằng, các tàu Mistral này không thể bán cho nước nào khác, do chúng được đóng để phù hợp với những thiết bị đặc biệt của hải quân Nga. Do đó, đây chính là “vấn đề an ninh quốc gia”.

Nhưng ngay cả khi có thuyết phục được Nga đồng ý, cái giá Pháp phải trả cũng không hề rẻ. Mỗi tháng, để bảo dưỡng cho một chiếc Mistral đang neo đậu trong cảng bên bờ Đại Tây Dương, chi phí Pháp phải bỏ ra lên tới 5 triệu euro.

Tàu Mistral nổi tiếng trong hải quân Pháp về tính đa năng. Tuy nhiên, nhà sản xuất DCNS, với 65% cổ phần của chính phủ Pháp, ước tính nếu có nước nào khác chấp nhận mua, chi phí để điều chỉnh thiết kế sẽ lên tới hàng trăm triệu Euro, và tất nhiên công ty này sẽ yêu cầu chính phủ bồi thường.

Hồi đầu tháng, báo giới từng xôn xao khi một chiếc tàu sân bay lớp Mistral của quân đội Pháp, mang tên Dixmude, đã cập cảng tại Thượng Hải trong chuyến thăm kéo dài một tuần. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, khó có khả năng Pháp sẽ bán tàu Mistral cho Trung Quốc do tình hình căng thẳng hiện tại trên Biển Đông.

Paris chắc chắn không muốn làm phật lòng Tokyo, nước họ vừa mới ký thỏa thuận hợp tác quân sự. Ngoài ra, Washington chắc chắn cũng không thể hài lòng với quyết định này.

Và nói như tướng Christian Quesnot, trưởng cố vấn quân sự của cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, “giải pháp ít tốn kém nhất là đánh đắm”.

Thanh Tùng
Tổng hợp