1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phanh phui mạng lưới đài phát thanh ngầm của Trung Quốc khắp toàn cầu

(Dân trí) - Một cuộc điều tra do hãng tin Reuters thực hiện đã phát hiện một mạng lưới 33 đài phát thanh của Trung Quốc khắp toàn cầu, hoạt động dưới các công ty bình phong, để phát sóng các chương trình có lợi cho Bắc Kinh.

 


Bản đồ mô phỏng mạng lưới các đài phát thanh của Trung Quốc trên khắp thế giới, hoạt động dưới các công ty bình phong (Ảnh: Reuters)

Bản đồ mô phỏng mạng lưới các đài phát thanh của Trung Quốc trên khắp thế giới, hoạt động dưới các công ty bình phong (Ảnh: Reuters)

Hồi tháng 8, nhiều nước lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Khi báo chí khắp thế giới đưa tin về những chỉ trích này, một đài phát thanh tại thành phố quyền lực nhất nước Mỹ lại có quan điểm khác biệt.

Nằm ở ngoại ô thủ đô Washington, D.C, đài phát thanh WCRW không nhắc gì tới dự án xây đảo nhân tạo khiêu khích của Bắc Kinh. Thay vào đó, một chuyên gia lại giải thích trên đài này rằng các căng thẳng trong khu vực là do “các lực lượng bên ngoài” đang “cố gắng can thiệp vào khu vực bằng cách đưa ra các tuyên bố sai trái”.

Đằng sau các bản tin của WCRW là một sự thật chưa bao giờ được công khai: Chính phủ Trung Quốc kiểm soát phần lớn thời lượng phát sóng của đài này.

WCRW chỉ là một trong số các đài phát thanh trên khắp thế giới mà thông qua đó Bắc Kinh phát sóng các chương trình và tin tức có lợi cho họ.

Một cuộc điều tra của hãng tin Reuters tại 4 châu lục đã phát hiện ít nhất 33 đài phát thanh tại 14 quốc gia thuộc một mạng lưới phát thanh toàn cầu, được vận hành theo cách nhằm che giấu chủ nhân thực sự: Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI), do nhà nước Trung Quốc kiểm soát.

Nhiều trong số các đài phát thanh này chủ yếu phát sóng các nội dung do CRI hoặc các công ty truyền thông mà CRI kiểm soát tại Mỹ, Úc và châu Âu sản xuất hoặc cung cấp. Ba doanh nhân Trung Quốc hiện đang sống ở nước ngoài, vốn là các đối tác địa phương của CRI, điều hành các công ty bình phong của CRI và trong một số trường hợp sở hữu một cổ phần tại các đài phát thanh. Mạng lưới này vươn từ Phần Lan tới Nepal, Úc, và từ Philadelphia tới San Francisco.

Tại WCRW, Bắc Kinh nắm giữ lợi ích tài chính trực tiếp trong các chương trình phát sóng của đài ở Washington. Các dữ liệu tại Mỹ và Trung Quốc cho thấy một công ty con có trụ sở tại Bắc Kinh của CRI sở hữu 60% một công ty Mỹ vốn thuê hầu hết thời gian phát sóng của WCRW tại Washington.

Đích thân CRI không giữ cổ phần tại các đài phát thanh Mỹ, nhưng hãng này lại nắm cổ phần lớn thông qua một công ty con thuộc một công ty Mỹ đang thuê WCRW tại Washington và một đài phát thanh ở Philadelphia.

Theo Reuters, trong khi các đài phát thanh của chính phủ Mỹ công khai việc nhận ngân sách từ chính phủ thì CRI lại sử dụng các công ty bình phong để che đậy vai trò của mình. Rất ít chương trình phát sóng tại Mỹ nhắc tới CRI, có thể nói hầu như không. Chỉ một chương trình, The Beijing Hour, nói rằng “chương trình do Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc mang tới cho các bạn”.

3 công ty bình phong cho CRI trên toàn cầu:

- Tại châu Âu, công ty GBTimes ở Tampere (Phần Lan), có quyền sở hữu cổ phần hoặc cung cấp nội dung cho ít nhất 9 đài phát thanh.

- Tại châu Á-Thái Bình Dương, tập đoàn truyền thông Global CAMG tại Melbourne (Úc), có quyền sở hữu cổ phần hoặc cung cấp các chương trình cho ít nhất 8 đài phát thanh.

- Tại Bắc Mỹ, G&E Studio Inc, đóng gần Los Angeles (California) phát sóng nội dung gần như hoàn toàn thời gian trên ít nhất 15 đài phát thanh tại Mỹ. Một đài phát thanh tại Vancouver cũng phát sóng nội dung của G&E. Ngoài phát sóng chương trình của CRI, G&E cũng sản xuất và phân phối các chương trình có lợi cho Trung Quốc từ các trường quay ở California.

- Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 16/9, Chủ tịch kiêm CEO James Su của G&E thừa nhận rằng công ty con của CRI là Guoguang Century Media sở hữu đa số cổ phần tại công ty của ông, và rằng ông này có hợp đồng với CRI.

Phục vụ mục đích gia tăng quyền lực mềm

Mạng lưới đài phát thanh của Trung Quốc khắp thế giới nằm trong ý đồ của Bắc Kinh nhằm gia tăng “quyền lực mềm” khắp toàn cầu.

“Chúng ta nên gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc, mang đến một hình ảnh tốt về người Trung Quốc và truyền tải tốt hơn thông điệp của Trung Quốc tới thế giới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong một bài phát biểu chính sách hồi tháng 11/2014, theo Xinhua.

Giám đốc CRI Wang Gengnian đã miêu tả nỗ lực của Bắc Kinh là chiến lược “mượn thuyền” - sử dụng các hãng truyền thông hiện thời ở nước ngoài để truyền tải thông điệp của Trung Quốc.

33 đài phát thanh được CRI hỗ trợ phát sóng bằng tiếng Anh, Trung Quốc, tiến Trung Quốc và cả tiếng địa phương, mang tới các chương trình tin tức, văn hóa và âm nhạc. Các chương trình được xen lẫn với những câu chuyện nêu bật sự phát triển của Trung Quốc, như chương trình không gian và sự đóng góp của nước này cho các chương trình nhân đạo, như cứu trợ động đất ở Nepal.

“Chúng tôi không phải là một đất nước tiêu cực như một số nguồn tin báo chí phương Tây miêu tả. Các nguồn tin báo chí phương Tây về Trung Quốc quá tiêu cực. Chúng tôi chỉ muốn cải thiện hình ảnh. Đó là tự vệ”, một nhân vật giấu tên biết rõ về mạng lưới đài phát thanh của CRI bao biện.

Vào cuộc điều tra

Trung Quốc có một loạt hãng truyền thông thuộc sở hữu của nhà nước được biết tới khắp thế giới, như hãng tin Xinhua. Nhưng các quan chức Mỹ phụ trách việc giám sát việc tuyên truyền và sở hữu truyền thông nước ngoài và cho biết họ không hay biết về hoạt động phát thanh do Trung Quốc kiểm soát trong lòng nước Mỹ cho tới khi hãng tin Reuters liên lạc. Nhiều cựu quan chức cấp cao của Mỹ cho biết giới chức liên bang nên điều tra xem liệu hoạt động trên có vi phạm luật quản lý truyền thông nước ngoài và các công ty đại diện tại Mỹ hay không.

Một điều luật của Mỹ được Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) thông qua cấm các chính phủ nước ngoài hoặc các đại diện của họ nắm giữ giấy phép phát thanh cho một đài phát thanh tại Mỹ. Theo Luật Thông tin, các cá nhân, chính phủ và các tập đoàn nước ngoài chỉ được phép sở hữu trực tiếp tới 20% cổ phần tại một đài phát thanh và tới 25% trong một tập đoàn Mỹ sở hữu đài phát thanh.

Reed Hundt, cựu chủ tịch của FCC, nói: “Nếu có các cáo buộc nhằm vào việc chính phủ Trung Quốc sở hữu trên thực tế các đài phát thanh tại Mỹ, tôi tin rằng FCC sẽ điều tra”.

Luật pháp Mỹ cũng yêu cầu bất kỳ ai tại Mỹ tìm cách gây ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ hoặc công chúng Mỹ trên vỏ bọc một tổ chức hoặc chính phủ nước ngoài phải đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ. Các số liệu công khai cho thấy đối tác kinh doanh Mỹ-Trung tại Mỹ của CRI và các công ty này không đăng ký như là đại lý nước ngoài theo luật trên, gọi là Luật Đăng ký đại diện nước ngoài (FARA).

“Tôi sẽ thực hiện một cuộc điều tra nghiêm túc theo luật FARA nhằm vào một công ty phát sóng lại các chương trình tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc trong lòng nước Mỹ mà không thừa nhận công ty này đang hoạt động đại diện cho Trung Quốc, hay thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi Trung Quốc”, ông D.E. “Ed” Wilson Jr, một cựu quan chức Nhà Trắng và Bộ Tài chính Mỹ, nói.

CRI được thành lập năm 1941 và giờ đây phát sóng trên toàn thế giới với hơn 60 thứ tiếng. CRI hiện có trụ sở tại Bắc Kinh.

An Bình

 

Phanh phui mạng lưới đài phát thanh ngầm của Trung Quốc khắp toàn cầu - 2