1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phản ứng của Ukraine và NATO khi Nga tuyên bố rút khỏi Kherson

Minh Phương

(Dân trí) - Sau mệnh lệnh rút quân khỏi thành phố Kherson, Nga một lần nữa khẳng định sẵn sàng đàm phán với Ukraine dựa trên tình hình thực tế. Trong khi đó, Kiev tỏ ra hoài nghi.

Phản ứng của Ukraine và NATO khi Nga tuyên bố rút khỏi Kherson - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (Ảnh: AFP).

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 9/11 thông báo rút quân khỏi thành phố Kherson sang bờ đông sông Dnipro. Mệnh lệnh được đưa ra trong cuộc họp phát sóng trên truyền hình của ông với tổng chỉ huy chiến dịch quân sự tại Ukraine Sergey Surovikin.

Lý giải về quyết định này, tướng Surovikin cho biết, Nga không còn khả năng tiếp tế cho thành phố Kherson. "Chúng ta sẽ bảo toàn tính mạng của binh lính và năng lực chiến đấu của các đơn vị. Để lực lượng ở bờ tây sông Dnipro là vô ích. Một số binh sĩ có thể được điều tới những mặt trận khác", ông Surovikin nói. Moscow gần đây liên tục cáo buộc Ukraine pháo kích vào các khu dân cư Kherson và có kế hoạch tập kích đập thủy điện ở sông Dnipro nhằm gây ngập lụt.

Lãnh đạo Cộng hòa Chechnya (thuộc Nga) Ramzan Kadyrov ủng hộ quyết định rút quân trên, cho rằng đây là điều cần thiết để bảo toàn mạng sống cho binh sĩ. "Sau khi cân nhắc, tướng Surovikin đã đưa ra một quyết định khó khăn nhưng đúng đắn giữa việc hy sinh vô nghĩa với việc bảo toàn mạng sống quý giá của binh sĩ", ông Kadyrov bình luận.

"Ngay từ những ngày đầu, mọi người đều biết rằng, Kherson là vùng chiến sự nhiều thách thức. Các binh sĩ của chúng tôi cũng thừa nhận, đặc biệt khi không có một nguồn cung đạn dược thường xuyên, ổn định và một hậu phương vững chắc", lãnh đạo Chechnya viết trên Telegram.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Moscow vẫn để ngỏ đàm phán với Kiev.

"Chúng tôi vẫn để ngỏ đàm phán, chúng tôi chưa bao giờ từ chối điều đó, chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại, tất nhiên dựa trên tình hình thực tế", bà Zakharova cho biết.

Khẳng định được đưa ra sau khi một quan chức Đức gần đây cáo buộc Moscow chưa sẵn sàng đàm phán. "Thay vì dùng ảnh hưởng với Ukraine, phía Đức đi ngược lại với tôn chỉ của chính họ về việc cấm xuất khẩu vũ khí sát thương đến vùng chiến sự, họ tiếp tục bơm cho chính quyền Kiev nhiều loại vũ khí", bà Zakharova nói.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 9, song hai bên vẫn chưa thể ngồi vào bàn đàm phán kể từ cuối tháng 3. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 8/11 đã kêu gọi các cường quốc trên thế giới "buộc Nga tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình thực sự". Ông cũng đưa ra điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán này, trong đó nhấn mạnh đến việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xung đột.

Ukraine hoài nghi

Phản ứng của Ukraine và NATO khi Nga tuyên bố rút khỏi Kherson - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, phía Ukraine tỏ ra hoài nghi và thận trọng với tuyên bố rút quân của Nga.

"Hôm nay, chúng ta đã nhận được những thông tin rất đáng mừng. Tuy nhiên, chúng ta cần kiềm chế, điều này là cần thiết trong thời chiến. Chúng ta sẽ tiếp tục tiến công thận trọng, không cảm tính, không để xảy ra những rủi ro đáng tiếc. Chúng ta đang tiến dần về miền Nam, củng cố thế trận", Tổng thống Ukraine Zelensky nói. Ông cảnh báo, Moscow có thể tìm cách phá hủy đập thủy điện trên sông Dnipro.

Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Zelensky, cũng bình luận: "Hành động quan trọng hơn lời nói. Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào Nga sẽ rút quân khỏi Kherson mà không giao tranh".

Ông nhấn mạnh, Ukraine phân tích tình hình dựa trên dữ liệu tình báo, "không phải những tuyên bố trên truyền hình". "Nếu lá cờ Ukraine vẫn chưa tung bay trên Kherson, vẫn chưa có ý nghĩa gì khi nói về việc Nga rút quân", ông Podolyak cho hay.

Natalia Humeniuk, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Quân sự phía Nam Ukraine, nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nói rất nhiều lần và nhắc lại rằng: tất cả thông tin đều phải tiếp nhận một cách thận trọng... Chúng tôi tiếp tục cả phòng thủ và tấn công theo kế hoạch".

Một số quan chức Ukraine trước đó cũng nhận định, việc Nga rút quân khỏi Kherson có thể chỉ là "cái bẫy" để mai phục lực lượng Ukraine.

Về phía NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhận định, động thái của Nga rút quân một phần khỏi Kherson cho thấy viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine đang phát huy hiệu quả.

Kherson là vùng lãnh thổ chiến lược ở miền Nam Ukraine, nơi được ví như cửa ngõ đến bán đảo Crimea. Nga kiểm soát Kherson từ tháng 3, không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng. Kiev bắt đầu phản công mạnh nhằm giành lại Kherson từ cuối tháng 8. Theo giới quan sát, Moscow sẽ không dễ dàng từ bỏ Kherson.

Phản ứng của Ukraine và NATO khi Nga tuyên bố rút khỏi Kherson - 3

Kherson đóng vai trò là cửa ngõ đến bán đảo Crimea (Bản đồ: Guardian).

CÁC DẤU MỐC CHÍNH TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE 

Tháng 2: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov.

Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk.

Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.

Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10: Cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm.

Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Theo RT, Pravda, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine