1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Phản ứng của Mỹ khi Giáo hoàng kêu gọi Ukraine "giương cờ trắng"

Minh Phương

(Dân trí) - Sau khi Giáo hoàng Francis kêu gọi Ukraine "can đảm giương cờ trắng" để đàm phán chấm dứt xung đột với Nga, Mỹ tuyên bố ủng hộ công thức hòa bình do Kiev đưa ra.

Phản ứng của Mỹ khi Giáo hoàng kêu gọi Ukraine giương cờ trắng - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller (Ảnh: Anadolu).

Tại cuộc họp báo ngày 12/3, khi được đề nghị bình luận về lời kêu gọi của Giáo hoàng Francis, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: "Chúng tôi ủng hộ quyền phòng vệ của Ukraine. Chúng tôi đã khẳng định nhiều lần rằng không có điều gì về Ukraine được quyết định mà không có sự tham gia của Ukraine".

Ông Miller nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ công thức hòa bình mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra cuối năm 2023 và "những nỗ lực chấm dứt xung đột bằng các biện pháp hòa bình".

"Điều đó đòi hỏi Nga phải ngừng tấn công, ngừng kiểm soát lãnh thổ Ukraine và đồng ý đàm phán. Tuy nhiên, đến nay, họ chưa sẵn sàng làm điều đó", ông Miller nói.

Washington nêu quan điểm sau khi Giáo hoàng Francis cuối tuần qua kêu gọi Ukraine "can đảm giương cờ trắng" để đàm phán chấm dứt xung đột với Nga.

Giáo hoàng Francis cho rằng bên mạnh mẽ nhất là "người nghĩ đến dân thường, có dũng khí giương cờ trắng và bắt đầu đàm phán khi nhìn vào tình hình".

"Đừng thấy xấu hổ khi đàm phán trước khi chuyện tệ hơn. Đàm phán chưa bao giờ là đầu hàng. Đó là sự dũng cảm để không đẩy đất nước đi đến chỗ tự sát", AFP dẫn lời Giáo hoàng.

Tuy nhiên, cụm từ "giương cờ trắng" bị coi là nhạy cảm và khó chấp nhận đối với Ukraine và các nước phương Tây đã hỗ trợ Kiev kể từ đầu cuộc xung đột.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba, gây tổn thất nặng nề cho tất cả các bên. Theo giới tình báo Mỹ, Nga đã mất khoảng 300.000 quân, nhưng thời gian bắt đầu có lợi cho Moscow.

"Quân đội Nga tổn thất chưa từng có kể từ Thế chiến III, với con số thương vong lên đến 300.000 binh sĩ và hàng nghìn xe tăng, xe chiến đấu bọc thép", Pravda dẫn báo cáo tình báo của Mỹ ngày 12/3 cho hay.

Theo báo cáo này, Nga không thể thực hiện kế hoạch ban đầu là kiểm soát toàn bộ Ukraine và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự, lực lượng kiệt sức. Tình báo Mỹ dự đoán Nga sẽ còn tiếp tục đối mặt với những vấn đề này.

Mặt khác, báo cáo chỉ ra rằng, Nga đã làm gián đoạn thành công chiến dịch phản công mùa hè của Ukraine và hiện giờ tình hình đang bắt đầu có lợi cho Moscow.

Ví dụ, ngành quốc phòng Nga đang dần dần tăng sản lượng vũ khí tầm xa, đạn pháo và các loại vũ khí khác. Điều đó sẽ cho phép Moscow duy trì hoạt động tấn công cường độ cao thêm một thời gian dài nữa.

Báo cáo cho hay, Nga đã giành được những bước tiến tuy nhỏ nhưng ổn định trên chiến trường Ukraine kể từ cuối năm 2023 và được hưởng lợi từ sự gián đoạn nguồn cung vũ khí phương Tây dành cho Ukraine.

"Tổng thống Nga Vladimir Putin có lẽ tin rằng Moscow đã cản trở những nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại lãnh thổ, rằng cách tiếp cận của ông đã mang lại kết quả và sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine là hữu hạn, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến Israel - Hamas", báo cáo nhận định.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine