Phản ứng của lãnh đạo thế giới về tiết lộ rúng động của "Hồ sơ Pandora"
(Dân trí) - Một số lãnh đạo thế giới lên tiếng sau vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora - tài liệu mật cáo buộc hàng trăm nguyên thủ, cựu chính khách và lãnh đạo doanh nghiệp cất giấu tài sản ở các thiên đường thuế.
Theo AFP, Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis khẳng định không làm gì sai trái.
"Số tiền chuyển khỏi ngân hàng Cộng hòa Séc đã bị tính thuế, đó là tiền của tôi và đã được đưa trở lại một ngân hàng Séc", Thủ tướng Babis nói hôm 4/10 khi được hỏi liệu ông có vi phạm luật pháp Cộng hòa Séc, Pháp hay Mỹ khi mua bất động sản ở nước ngoài hay không.
Khẳng định trên được đưa ra sau khi Hồ sơ Pandora cáo buộc Babis đã chuyển 22 triệu USD thông qua một công ty nước ngoài để mua bất động sản ở French Riviera năm 2009 và giữ bí mật quyền sở hữu bất động sản này. Báo cáo không nói giao dịch có phạm luật hay không. Ông cho biết thêm, một cuộc kiểm toán trước đó đã chứng minh ông có thu nhập đã đóng thuế từ giao dịch đó.
Ông Babis vốn là người sáng lập đế chế kinh doanh nông sản, hóa chất và hoạt động trong cả lĩnh vực truyền thông. Ông tham gia chính trường vào năm 2011 và lập ra một chính đảng mới vận động chống tham nhũng. Ông trở thành Bộ trưởng Tài chính Séc năm 2014 và thành Thủ tướng năm 2017. Tài sản của tập đoàn đã được ông Babis chuyển vào quỹ tín thác trước khi làm thủ tướng.
Ông Babis đang phải đối diện với một cuộc điều tra hình sự vì cáo buộc che giấu quyền sở hữu một dự án xây resort hội nghị ở ngoại ô thủ đô Prague. Các công tố viên dự kiến sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần tới để xác định liệu ông Babis có phải hầu tòa không hay vụ việc sẽ bị xóa bỏ.
"Hồ sơ Pandora" gồm khoảng 11,9 triệu tài liệu từ các tổ chức tài chính được các khách hàng giàu có thuê để cất giấu tài sản, lách thuế ở các thiên đường thuế. Tài liệu đề cập đến các giao dịch tài chính, tài sản bí mật của hàng trăm nguyên thủ, quan chức và cựu quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không phải ai có tên trong Hồ sơ Pandora cũng bị buộc tội có hành vi sai trái.
Trong tài liệu này, Nhà vua Jordan Abdullah II bị cáo buộc đã lập ra các công ty bình phong trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2017 để mua các biệt thự có tổng giá trị hơn 106 triệu USD ở Mỹ và Anh. Các thương vụ được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của một nhân viên tài chính ở Thụy Sĩ và các luật sư ở Quần đảo Virgin (Anh).
Hoàng gia Jordan và Đại sứ quán Jordan tại Washington hiện chưa đưa ra bình luận, nhưng AP dẫn lời các luật sư của Nhà vua Abdullah II nói rằng, các bất động sản đó được mua bằng tài sản riêng. Họ cho biết thêm rằng, việc mua bất động sản ở nước ngoài là hoàn toàn bình thường vì lý do riêng tư và an ninh.
Trong số các quan chức bị điểm danh trong Hồ sơ Pandora, một số thành viên trong nội các của Thủ tướng Pakistan Imran Khan và thành viên của gia đình họ bị cáo buộc sở hữu các công ty và quỹ tín thác trị giá hàng triệu USD ở nước ngoài. Phản ứng về thông tin này, Thủ tướng Khan tuyên bố, chính quyền của ông sẽ điều tra toàn bộ công dân Pakistan có tên trong tài liệu và sẽ có hành động nếu cần.
Hồ sơ Pandora nói rằng, vợ chồng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair có thể đã sở hữu một tòa nhà trị giá 8,8 triệu USD (7,6 triệu euro) khi mua một công ty bất động sản nước ngoài của gia đình Bộ trưởng Công nghiệp và Du lịch Bahrain Zayed bin Rashid al-Zayani. Bằng cách mua cổ phần của công ty thay vì trực tiếp mua tòa nhà, ông Blair và vợ đã có thể tránh phải nộp thuế tài sản tổng cộng 400.000 USD.
Phản ứng về thông tin trên, một người phát ngôn của gia đình ông Blair cho biết, vợ chồng ông đã đóng đầy đủ thuế và chưa bao giờ sử dụng các tổ chức tài chính nước ngoài để che giấu giao dịch hay lách thuế.