1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phần Lan, Thụy Điển xem xét đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Phần Lan và Thụy Điển cho biết hai nước châu Âu để ngỏ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ khi gia nhập NATO.

Phần Lan, Thụy Điển xem xét đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ - 1

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) và người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin tại cuộc họp báo ở Helsinki ngày 1/11 (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp báo hôm 1/11, khi được hỏi liệu Phần Lan và Thụy Điển có chấp nhận vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của họ hay không, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết: "Chúng tôi không nên đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi đã quyết định rằng chúng tôi không muốn đóng bất kỳ cánh cửa nào cho tương lai".

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cũng đồng tình với quan điểm trên của người đồng cấp Phần Lan. "Các bạn cũng nhận được câu trả lời tương tự từ tôi", ông Kristersson nói.

"Việc Thụy Điển và Phần Lan cùng hành động trong những vấn đề này là điều rất tự nhiên. Vì vậy, tôi không có ý định nào khác ngoài việc hợp tác chặt chẽ với Phần Lan", Thủ tướng Kristersson nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều thừa nhận rằng việc cho phép đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ có thể được thương lượng sau.

Hai quốc gia trung lập Phần Lan và Thụy Điển công bố ý định gia nhập NATO từ tháng 5 năm nay, không lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Lý do chính khiến các nước muốn gia nhập liên minh này là điều khoản 5 về phòng vệ tập thể cho phép liên minh đáp trả bất cứ một cuộc tấn công nào nhằm vào thành viên của NATO.

Điều khoản trên không áp dụng cho ứng viên gia nhập khối. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, liên minh quân sự này sẽ lập tức tăng cường phòng thủ cho Thụy Điển ngay khi đệ đơn gia nhập NATO, thậm chí trước khi được kết nạp.

Để vào NATO, Thụy Điển và Phần Lan cần sự phê duyệt của toàn bộ 30 quốc gia thành viên. Hiện đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển đã được quốc hội của 28/30 nước thành viên thông qua. Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chưa tổ chức các cuộc bỏ phiếu về vấn đề này.

Thổ Nhĩ Kỳ được xem là trở ngại lớn nhất cho 2 quốc gia trên, khi họ tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận các thành viên mới nếu Phần Lan và Thụy Điển có chính sách cứng rắn hơn với lực lượng ly khai người Kurd - nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Nga có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.215km với các quốc gia thành viên NATO. Khi Phần Lan gia nhập NATO, con số này sẽ tăng lên 2.600km. Việc NATO mở rộng hiện diện ở cửa ngõ khiến Nga bất an, bởi từ lâu Moscow coi đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh của nước này.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev hồi tháng 6 cảnh báo Nga sẽ đặt nhiều vũ khí hạt nhân sát cửa ngõ Thụy Điển, Phần Lan khi hai nước vào NATO.

Theo một số nguồn tin, Mỹ và Thụy Điển được cho là đã ký kết một thỏa thuận quân sự cho phép Washington bảo vệ biên giới của Thụy Điển thậm chí khi nước này mới chỉ là ứng viên NATO. Ông Karl Engelbrektson, lãnh đạo quân đội Thụy Điển, nói rằng đây là một thỏa thuận "mang tính chiến lược" góp phần làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Truyền thông Phần Lan đưa tin, vũ khí hạt nhân có khả năng được triển khai trên lãnh thổ nước này sau khi Helsinki được chính thức phê duyệt gia nhập NATO. 

Theo AFP