1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phá lệ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 6/5 tới Nga và có cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm không chính thức.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Vladimir Putin.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Vladimir Putin.

Theo thông báo của Mátxcơva và Tokyo, lãnh đạo hai nước đã thảo luận về tranh chấp lãnh thổ, về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - Nhật Bản vào tháng 9 tới cũng như sắp xếp chuyến thăm của ông Putin đến Tokyo.

Với giới quan sát, câu chuyện giữa ông Putin và Abe ở Sochi “đương nhiên là như thế”. Bởi lẽ, những vấn đề trên được lãnh đạo Nga và Nhật Bản nói đi nói lại từ nhiều năm nay, và tất nhiên, không thể giải quyết chỉ trong một cuộc hội đàm chóng vánh ở thành phố bên bờ Biển Đen. Điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm, là nước Nga có điểm gì hấp dẫn khiến người đứng đầu chính phủ đất nước Mặt trời mọc bỏ qua lời can gián của Tổng thống Mỹ Barack Obama?

Chuyến thăm Nga của ông Abe diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mátxcơva và phương Tây căng thẳng sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này cho thấy, ông Abe muốn tạo bước đột phá trong quan hệ song phương với Nga, trước mắt là kiếm tìm giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm tranh chấp đối với bốn hòn đảo hiện do Nga kiểm soát và gọi là quần đảo Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Ngoài ra, Tokyo cũng quan tâm phát triển năng lượng với Nga nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu từ Trung Đông.

Đối với Mátxcơva, chuyến thăm của ông Abe, đầu tiên, góp phần giảm thiểu căng thẳng giữa Nga và phương Tây, và sau nữa, Mátxcơva hy vọng tiềm lực tài chính của Nhật Bản giúp nền kinh tế Nga đứng vững trong cơn bão khủng hoảng.

Có vẻ như lãnh đạo hai nước ít nhiều đạt được những mục đích riêng rẽ sau cuộc gặp ở Sochi. Bằng chứng là, ông Putin tuyên bố Nhật Bản không chỉ là hàng xóm mà còn là đối tác quan trọng của Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Abe, với tư cách là nhà lãnh đạo nước Chủ tịch Nhóm G7, cho rằng Nga trở lại Nhóm G7 là cần thiết, và sự can dự của Mátxcơva góp phần giải quyết khủng hoảng ở nhiều điểm nóng trên thế giới.

Cuối cùng, chuyến đi tới Nga của ông Abe đánh dấu bước đột phá trong nỗ lực của Mátxcơva nhằm chấm dứt tình trạng bị cô lập, làm cơ sở cho việc khởi động các mối quan hệ giữa Nga với phương Tây.

Ít giờ sau khi ông Abe rời Sochi, Thủ tướng Ý Matteo Renzi tuyên bố sẽ tới Nga tham dự Diễn đàn đầu tư thường niên tại thành phố St Petersburg vào tháng 6 tới.

Theo Tùng Dương

Tiền Phong