1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Paris lo ngại chiến lược “bình thông nhau” về phía Libya

(Dân trí) - Bài bình luận có tựa đề “Libya - thành trì tương lai của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)" đăng trên nhật báo le Figaro ngày 15-12 nhấn mạnh lo ngại của chính phủ Pháp về sức mạnh của IS tại Libya.

Lực lượng thánh chiến tại thành phố Derna, Libya. Ảnh Transterra Media
Lực lượng thánh chiến tại thành phố Derna, Libya. Ảnh Transterra Media

Trước đó, hôm 14/12 Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã cảnh báo: IS vốn bám rễ tại vùng duyên hải Libya, nay bắt đầu tiến vào bên trong lãnh thổ nước này.

Vấn đề khiến Paris lo ngại nhất là tại Libya - đất nước rộng gấp ba lần nước Pháp - hiện nay không một lực lượng có tổ chức nào có thể chặn được đà tiến quân của IS về phía các mỏ dầu, hầu hết nằm ở vùng vịnh Syrte.

Từ khi ông Kadhafi bị tiêu diệt năm 2011, chính quyền Libya chỉ còn như những mảnh vụn với... hai quốc hội cùng tồn tại song song và không thể ngồi lại cùng bàn thảo với nhau. Trong khi quốc hội cũ được bầu hồi tháng 7/2012 vẫn trụ lại Tripoli, thì quốc hội mới được bầu vào tháng 6/2014 ở Tobrouk và cả hai đều có chính phủ riêng.

Các cường quốc, Liên Hợp Quốc cùng với nước láng giềng Algéria đã nỗ lực thương lượng với cả hai phía nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia. Kết quả là Hội nghị về Libya đã được tổ chức hôm Chủ nhật 13/12 tại Roma, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới tham dự. Các nhà thương thuyết tìm cách gây áp lực để cố đạt được một thỏa thuận vào ngày 16-12.

Các đặc phái viên của hai Quốc hội Libya được dự đoán sẽ phải nghe theo vì họ đại diện cho những phe phái tương đối ôn hòa và cả hai bên đều chung ý chí chống IS mạnh mẽ. Nhưng vấn đề là các thủ lĩnh dân quân có chịu tuân thủ hay không?

Làm thế nào khoảng 3.000 quân thánh chiến IS tại Libya có thể trở thành mối đe dọa với nước Pháp? Điều Paris lo ngại là chiến lược “bình thông nhau” về phía Libya sau khi liên minh “bất đắc dĩ” giữa phương Tây với Nga đã ngăn cản được IS mở rộng sang phía đông Syria và phía tây Iraq.

Từ khi Pháp có sáng kiến oanh kích các đoàn xe chở dầu, két tiền của IS đã vơi bớt. Mỹ cũng buộc được tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và giới nhà giàu Ả Rập Xê út giảm tài trợ cho IS. Nhưng trên bộ, IS còn phải đối đầu với các đối thủ đầy quyết tâm. Đó là người Kurdistan, người Yazidi, các chiến binh Shia người Liban của Hezbollah, quân đội Syria, Vệ binh cách mạng Iran và đôi khi cả lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Nói chung IS còn quá nhiều đối thủ phải lo đối phó!

Trong tình thế đó, đối với các lực lượng thánh chiến trên thế giới thì có vẻ như Libya nay là vùng “đất thánh” có sức thu hút còn hơn cả Iraq hay sa mạc Syria vì vùng này rộng lớn hơn và giàu có hơn. Hơn nữa, đây là vùng duyên hải nằm về phía Địa Trung Hải rộng mênh mông, cùng với vùng biên giới Sahara rất dễ xâm nhập hoặc đào thoát.

Thành phố cổ Subratha có 100.000 dân nằm giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Tripoli đã bị IS đánh chiếm từ tháng 12/2014 rồi biến thành nơi huấn luyện những kẻ khủng bố tấn công Tunisia, bảo tàng Bardo và thành phố biển Sousse.

Trả lời câu hỏi liệu các “chính phủ” Tripoli và Tobrouk có thể hòa hoãn và bắt tay nhau để xóa bỏ được mối đe dọa IS hiện đang bắt đầu bành trướng trên lãnh thổ Libya không, Le Figaro cho rằng nếu Libya yêu cầu hỗ trợ quân sự thì có lẽ phương Tây sẽ không nhiệt tình lắm.

Để minh chứng, Le Figaro nhắc lại một kinh nghiệm xương máu. Đó là vào ngày 31/03/2011 NATO đã mở chiến dịch mang tên “Người bảo vệ hợp nhất” chống ông Kadhafi, nhưng trách nhiệm bảo vệ người dân Libya sau đó kéo dài chẳng được bao lâu…

Khi Tổng thống Pháp lúc đó là ông Nicolas Sarkozy với sự ủng hộ của phe đối lập, quyết định tham chiến chống lực lượng Kadhafi, có lẽ ông chỉ nghĩ rằng phải đánh bại một nhà lãnh đạo độc tài, nhưng chẳng may… cả một nhà nước đã sụp đổ theo.

Mà xây dựng nên một nhà nước luôn khó khăn hơn rất nhiều so với phá hủy!

Quý Cao (theo Le Figaro)