1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump thúc đẩy cán cân thương mại cân bằng với Nhật Bản

Bảo Châm

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Tokyo đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và công nghệ của Mỹ, trong cuộc đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng.

Ông Trump thúc đẩy cán cân thương mại cân bằng với Nhật Bản - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng ngày 7/2 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã phá vỡ các chuẩn mực và gây chấn động với các tuyên bố và sắc lệnh táo bạo trong 3 tuần đầu tiên tại nhiệm, dường như có cách tiếp cận truyền thống hơn với các đồng minh lâu năm của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines.

Cách tiếp cận đó được thể hiện rõ trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Shigeru Ishiba sau cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 7/2, với nhiều nội dung sử dụng ngôn ngữ mà hai nước từng sử dụng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuyên bố chung sử dụng ngôn ngữ quen thuộc, thể hiện quan điểm phản đối các hành động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, đồng thời tái khẳng định cam kết ủng hộ an ninh của Nhật Bản, cũng như bày tỏ lo ngại về Triều Tiên và Nga.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Ishiba đã dành cho nhau những lời khen ngợi tại cuộc họp báo chung, đồng thời ông Trump cũng nhất trí sẽ sớm thăm Nhật Bản.

Thủ tướng Ishiba nói, trên truyền hình, ông thấy Tổng thống Trump "đáng ngại và có cá tính rất mạnh". Nhưng khi gặp trực tiếp, "tôi nhận thấy ông ấy thực sự chân thành và rất mạnh mẽ", ông Ishiba phát biểu, khiến ông Trump bật cười.

Khi hai nhà lãnh đạo ngồi cùng nhau trong Phòng Bầu dục, ông Trump nói với các phóng viên rằng hai nước sẽ hợp tác để đưa thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản về mức "cân bằng" so với hiện tại.

"Chuyện này có lẽ khá dễ thực hiện. Tôi không nghĩ chúng ta sẽ gặp bất kỳ vấn đề gì. Họ cũng muốn sự công bằng mà", ông Trump nói.

Ông Ishiba nhấn mạnh kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản như Toyota và Isuzu. Khi được hỏi về khả năng áp thuế, ông cho biết "không thể trả lời một câu hỏi mang tính giả định".

Sau cuộc gặp hôm 7/2, ông Trump cho biết ông "tin tưởng rằng liên minh quý báu giữa hai nước chúng ta, cũng như với các đối tác khác, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai".

Ông Trump kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và công nghệ của Mỹ. Ông cũng tìm cách tháo gỡ tranh chấp liên quan đến nỗ lực của Nippon Steel (Nhật Bản) trong việc mua lại US Steel, một trong những tập đoàn sản xuất thép lâu đời và lớn nhất tại Mỹ.

Ông Trump cho biết Nippon Steel đang xem xét "đầu tư chứ không phải mua lại" và khẳng định: "Tôi đồng ý với điều đó, chắc chắn rồi".

Ông Trump cũng hối thúc Tokyo thu hẹp thặng dư thương mại 68,5 tỷ USD với Washington nhưng bày tỏ lạc quan rằng vấn đề này sẽ sớm được thực hiện. Ông dẫn lời cam kết của Thủ tướng Ishiba về việc nâng tổng đầu tư của Nhật Bản tại Mỹ lên 1.000 tỷ USD, cùng với các đơn hàng mới mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), ethanol và amoniac do Mỹ sản xuất.

Cuộc hội đàm Mỹ - Nhật diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1, đe dọa tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Ngày 7/2, ông Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với nhiều quốc gia vào tuần tới. Tuy nhiên, chưa rõ liệu Nhật Bản có nằm trong danh sách này hay không.

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Mỹ vào năm 2023, với 783,3 tỷ USD, tiếp theo là Canada và Đức.

Ông Trump nói thêm, phía Nhật Bản đã bày tỏ quan tâm đến dự án đường ống dẫn khí trị giá 44 tỷ USD ở Alaska. Tuy nhiên, một quan chức Nhật Bản nói riêng với truyền thông rằng họ vẫn còn hoài nghi về tính khả thi của dự án.

Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0