Ông Trump sẽ theo đuổi đường lối đối ngoại nào nếu trở lại Nhà Trắng?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia đã đưa ra nhận định về chính sách của đối ngoại của Tổng thống Donald Trump với một loạt quốc gia như Nga, Triều Tiên, Iran và Trung Quốc.

Ông Trump sẽ theo đuổi đường lối đối ngoại nào nếu trở lại Nhà Trắng? - 1

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump vận động tranh cử ở Virginia ngày 2/11 (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã áp dụng thuế quan và các rào cản khác để giải quyết vấn đề mà ông cho là các hoạt động thương mại không công bằng.

Theo Lyle Goldstein, giám đốc Chương trình Hợp tác châu Á tại tổ chức tư vấn chính sách Defense Priorities, Bắc Kinh cảnh giác với việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng.

"Có khả năng mối quan hệ này có thể chuyển biến tích cực nếu ông Trump có xu hướng thực dụng hơn trong việc đạt được các thỏa thuận với Bắc Kinh và ít có xu hướng ủng hộ trực tiếp Đài Loan hơn", chuyên gia Goldstein nhận định với trang tin Newsweek.

"Tôi nhận thấy rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng cách cố gắng tận dụng sự thực dụng của ông Trump, nhưng cũng sẽ chuẩn bị tinh thần cho khả năng căng thẳng gia tăng", ông Goldstein nói.

Zhiqun Zhu, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bucknell, nhận định nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Trump sẽ chứng kiến việc ông tiếp tục hoặc thậm chí leo thang cuộc chiến thương mại.

"Có thể dự đoán một số hành động đáp trả từ Trung Quốc và căng thẳng song phương sẽ gia tăng", ông Zhu cho biết.

Theo chuyên gia Zhu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ tận dụng "cái tôi" của Tổng thống Trump và đưa ra một số nhượng bộ mang tính biểu tượng trong lĩnh vực thương mại với ông Trump, chẳng hạn mua nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn từ Mỹ, đồng thời tìm kiếm sự phản hồi của ông Trump trong các vấn đề khác như Đài Loan hoặc Biển Đông.

Nga và cuộc chiến ở Ukraine

Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố ông sẽ chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine trong vòng một ngày nếu ông tái đắc cử. Những lời khen ngợi của ông Trump dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong suốt cuộc chiến đã làm dấy lên mối lo ngại về việc ông trở lại Nhà Trắng có ý nghĩa như thế nào đối với sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev.

"Ông Trump đã thể hiện sự ưu tiên mạnh mẽ dành cho Nga hơn Ukraine bằng cả lời nói và hành động", Robert Orttung, giáo sư nghiên cứu về các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, cho biết.

"Tuy nhiên, các chính sách của ông ấy không phù hợp với lợi ích quốc gia truyền thống của Mỹ và sẽ tạo ra sự phản kháng mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, cũng như từ cộng đồng tình báo và an ninh quốc gia. Những nhóm này có lý do để nghi ngờ ý định của Nga. Dưới thời Trump, Mỹ sẽ có vẻ yếu đuối, chia rẽ và dễ bị các nhà lãnh đạo nước khác thao túng", chuyên gia Orttung nói.

Sau cuộc gặp vào tháng 9 tại New York, ông Trump cho biết ông có mối quan hệ tốt với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhưng ông cũng nhắc lại mối quan hệ nồng ấm của mình với Tổng thống Putin.

Simon Schlegel, nhà phân tích cấp cao về Ukraine tại tổ chức International Crisis Group, cho biết ông Trump đã nói rõ rằng ông muốn giải quyết chiến tranh một cách nhanh chóng và có thể khởi xướng các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ngay cả trước khi ông nhậm chức tổng thống Mỹ.

"Tất cả những điều này đều rất đáng lo ngại đối với Ukraine. Người Ukraine biết rất rõ rằng không có cách dễ dàng nào để thoát khỏi tình trạng này và điều đó có nghĩa là chính phủ Ukraine sẽ phải đưa ra những quyết định rất đau đớn mà nhiệm kỳ tổng thống của Zelensky không thể đưa ra, và điều này có thể xảy ra nếu ông Trump thắng cử", ông Schlegel nói thêm.

Theo ông Schlegel, chính sách đối ngoại của ông Trump rất thất thường và bị chi phối bởi tình bạn cũng như cảm xúc cá nhân. Nếu ông Trump cố gắng đàm phán với ông Putin nhưng không đạt kết quả, ông có thể sẽ dành toàn bộ sự ủng hộ cho Ukraine.

Iran

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, căng thẳng giữa Washington và Tehran tăng cao sau khi ông rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), vốn áp đặt các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Hai năm sau, Iran đã ban hành lệnh bắt giữ ông Trump và các phụ tá của ông sau vụ ám sát tướng Iran Qassem Soleimani trong một cuộc không kích ở Iraq.

Hamidreza Azizi, nhà nghiên cứu tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức, cho biết không có quan điểm thống nhất nào ở Iran về ý nghĩa của chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, quan điểm chủ đạo trong giới tinh hoa chính trị của Tehran "là tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với Iran".

Chuyên gia Azizi cho biết điều này là do lịch sử "gây sức ép tối đa" của ông Trump đối với Iran, liên minh của ông với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cũng như sự ủng hộ của ông đối với Israel và "tính cách khó lường" của ông Trump.

Một nhóm thứ hai ở Iran tin rằng căng thẳng bao trùm giữa Tehran và Washington sẽ vẫn tồn tại, bất kể ai ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, một nhóm thiểu số hy vọng rằng nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Trump sẽ tốt hơn cho Iran "vì ông cởi mở hơn với hoạt động kinh doanh và nếu đạt được thỏa thuận, điều đó sẽ dễ dàng hơn với ông Trump so với bà Kamala Harris", chuyên gia Azizi cho biết.

Hệ quả của mối quan hệ Mỹ - Iran sẽ được thấy rõ trên khắp Trung Đông. Tehran ủng hộ lực lượng Hamas ở Gaza, nơi Israel đã ném bom sau các cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10/2023.

Cuộc xung đột đã mở rộng bao gồm cả lực lượng Hezbollah ở Li Băng, nơi các nhà lãnh đạo của nhóm này bị Israel nhắm mục tiêu, trong khi Mỹ và Anh đang nhắm mục tiêu vào lực lượng ủy nhiệm khác của Iran, Houthi ở Yemen, sau các cuộc tấn công của nhóm này vào tàu vận tải ở Biển Đỏ.

"Với ông Trump, sẽ có người chiến thắng và kẻ thua cuộc. Không có vùng xám và thực sự không có vùng ngoại giao. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta có thể thấy một cách tiếp cận táo bạo hơn với Iran", Gene Moran, chuyên gia an ninh quốc gia và cựu cố vấn của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết.

Những tín hiệu mà ông Trump đã gửi đi cho đến nay có thể mở đường cho Thủ tướng Israel Netanyahu thực hiện bước tiếp theo trong cuộc xung đột với Iran trong khoảng thời gian từ sau cuộc bầu cử (11/2024) đến lễ tuyên thệ nhậm chức (1/2025).

"Tôi lo ngại rằng trong kịch bản đó, thậm chí trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1, bạn sẽ thấy một cuộc chiến thực sự giữa Iran và Israel", chuyên gia Azizi nói.

Triều Tiên

Là tổng thống Mỹ đầu tiên bước chân vào lãnh thổ Triều Tiên, ông Trump đã nói với người dẫn chương trình podcast Joe Rogan rằng ông "rất hợp" với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Trump về ông Kim Jong-un vừa là "người tên lửa nhỏ" vừa là "người đồng hành" đã củng cố thêm mối lo ngại về lập trường của ông đối với Bình Nhưỡng, nơi đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chỉ 5 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Karl Friedhoff, một thành viên của nhóm Nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Đối ngoại Chicago, cho biết nếu ông Trump được bầu, sẽ có ít sự phối hợp giữa các bên.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta có khả năng chứng kiến sự hỗn loạn. Chúng ta sẽ thấy một chuyến tàu lượn siêu tốc dao động từ căng thẳng rất cao đến ngoại giao cá nhân được thiết lập kỹ lưỡng giữa các nhà lãnh đạo", chuyên gia Friedhoff nhận định.

Theo chuyên gia Friedhoff, khi ông Kim và ông Trump gặp nhau lần gần đây nhất vào tháng 2/2019, Bình Nhưỡng đã không chuẩn bị để thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào, nhưng "lần này sẽ không như vậy".

"Họ sẽ chuẩn bị tốt hơn nhiều với một gói đàm phán và sẽ tìm cách khai thác mọi điểm yếu của ông Trump. Những cuộc đàm phán đó sẽ là một quân bài rủi ro thực sự đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump và khu vực", chuyên gia Friedhoff nói thêm.

Theo Newsweek, Reuters