Ông Tập Cận Bình “trảm 15 hổ tướng”, nắm chặt PLA trong tay
“Con hổ mang quân hàm” thứ 15 đã ngã ngựa trong tay ông Tập Cận Bình, báo hiệu sự thay máu lớn trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo quân đội nước này.
15 “con Hổ mang quân hàm” ngã ngựa dưới tay ông Tập Cận Bình
Tờ “South China Morning Post” xuất bản ở Hồng Kông đã đưa tin ngày 5 tháng 3, cựu giám đốc cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc, phụ trách mảng tình báo nước ngoài, Thiếu tướng Hình Vận Minh đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc tham ô, hối lộ và lạm dụng chức quyền tình nghi tham nhũng.
Đây là lần đầu tiên khi xuất hiện thông tin về "hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng" trong một cơ quan hết sức quan trọng - cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc. Vụ tham nhũng đã giáng một đòn nặng nề vào hình ảnh của cơ quan quân sự được coi là quan trọng nhất của PLA.
Tướng Hình đã bị bắt giam vào ngày 17 tháng 2, ngay trước Tết. Mặc dù đã phụ trách mảng tình báo nước ngoài, nhưng ông này không phải là một nhân vật sống khép kín. Ông còn là Phó chủ tịch Hiệp hội hữu nghị nước ngoài, là thành viên của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (Chính Hiệp) Trung Quốc.
Những vụ tham nhũng trong ngành dầu khí, trong hệ thống ngân hàng, giữa những nhân vật cao cấp trong giới lãnh đạo đảng không còn là tin giật gân ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một lãnh đạo cao cấp của cơ quan tình báo quân đội bị cáo buộc về vụ tham nhũng là một trường hợp mang tính nghiêm trọng.
Có vẻ như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tâm tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn, bất kể là kẻ đó chức vụ gì và thuộc lực lượng nào, bởi trên thực tế, ông Tập dường như đã nhận được “giấy ủy nhiệm đấu tranh chống tham nhũng”.
Ông lên nắm chính quyền như kết quả của cuộc đấu tranh rất phức tạp nội bộ nước, ông phải thuyết phục được tất cả các nhóm trong đảng và quân đội rằng, cần phải giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nếu không thì nạn tham nhũng sẽ giành chiến thắng chống Đảng Cộng sản”.
Ông Tập Cận Bình trong một buổi lễ phong hàm thượng tướng cho tướng lĩnh Trung Quốc
Nhân vật nổi tiếng nhất trong danh sách này là Chuẩn Đô Đốc Quách Chính Cương, con trai của cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Thượng Tướng Quách Bá Hùng. Nhờ uy vọng của người cha, ông Quách Chính Cương trở thành đô đốc trẻ nhất của hải quân PLA.
Theo một số nguồn tin, Quách Chính Cương bắt đầu bán thiết bị quân sự và vũ khí. Như được biết, ông đã thành lập một công ty để phát triển các chương trình an toàn cho quân đội, nhưng trên thực tế làm sai lệch kết quả đấu thầu, để công ty của ông nhận được những hợp đồng quân sự.
Ông Yacov Berger Viện nghiên cứu Viễn Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga cho biết, bà Ngô Phương Phương, vợ ông Quách, có liên quan đến chủ xây dựng của một công trình dở dang trong khu vực thuộc sở hữu quân đội ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.
Công ty của bà ta thất bại trong việc xây dựng một chợ sản phẩm kim khí dù đã thu trước hơn 500 triệu nhân dân tệ tiền thuê từ những người buôn bán. Dù không thực hiện hợp đồng, bà ta từ chối trả lại tiền cho những người đó.
Những chi tiết này đã xuất hiện trên báo chí khi cuộc điều tra tham nhũng mới bắt đầu. Rất có thể đó là một động thái nhằm chống lại bản thân ông Quách Bá Hùng, người đã từ chức vào năm 2013.
Thiếu tướng Hình Vận Minh đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc tham nhũng
Một trong những vấn đề gây chú ý nhất trên chính trường Trung Quốc là việc ông Tập tiếp tục cuộc thanh lọc giới “chóp bu” quân sự. Tính riêng năm ngoái, 16 quan chức cấp cao đã bị điều tra và vào lúc này 14 "con hổ mang quân hàm” đã bị “nhốt vào chuồng”.
Scandal tham nhũng xung quanh 14 viên tướng nổ ra trước thềm khai mạc “Lưỡng Hội”. Một số chuyên gia cho rằng, thông điệp giáng đòn trừng phạt tham nhũng trong quân đội đã xuất hiện một cách cố ý trước sự kiện. Bắc Kinh tỏ rõ sức mạnh và khả năng kiểm soát vững các cơ cấu của quân đội.
“Lưỡng Hội” là 2 kỳ họp lớn nhất của các đại biểu nhân dân nước này. Kỳ họp thứ 2 Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc Trung Quốc (Chính Hiệp) khoá 12 diễn ra vào ngày 3-3; sau đó Kỳ họp thứ 2 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc Hội) khoá 12 cũng đã khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 5/3.
Ông Tập Cận Bình đã nắm hoàn toàn quân đội?
Chuyên gia Yacov Berger Viện nghiên cứu Viễn Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga lý giải rằng, chống tham nhũng trong quân đội là một quá trình kéo dài, không thể được đo bằng bất kỳ ngày tháng đặc biệt nào, mặc dù “Lưỡng Hội” đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình này.
Thực tế, Trung Quốc đang thực hiện một cuộc đấu tranh cương quyết, triệt để và không ngừng nhằm thanh lọc bộ máy của tất cả các ngành chính quyền, bao gồm cả quân đội và có thể mục tiêu hàng đầu là thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của quân đội.
Đã có 15 tướng lĩnh Trung Quốc bị điều tra về các vấn đề kinh tế
Ông Yacov Berger cho rằng, ở mức độ nào đó, quả là tồn tại hiện tượng "quốc gia bên trong quốc gia", nhưng ở Trung Quốc ông Tập Cận Bình đã giành quyền lực và tất cả vị trí cần thiết để “thực hiện công lý”. Tất nhiên, sự kháng cự là vô cùng mạnh, chưa thể nói ông Tập đã nắm chắc 100 phần trăm phần thắng.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc không ngừng hành động, trường hợp 14 tướng lĩnh là một bằng chứng. Ông đã thể hiện mình là nhân vật lớn, có lẽ có thể sánh với Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Ông thấy rõ các mục tiêu và không ngần ngại thực hiện chúng, đặc biệt là trong quân đội.
Tại “Lưỡng Hội”, Trung Quốc sẽ chính thức công bố tăng 10 phần trăm ngân sách quân sự năm 2015. Đây là một dấu hiệu tượng trưng cho thái độ tích cực đối với quân đội, trong bối cảnh cuộc thanh lọc các nhân vật “chóp bu”. Đây là hai vấn đề có liên quan biện chứng đến nhau.
Không nghi ngờ gì nữa, việc loại trừ vụ 14 tướng lĩnh là dấu hiệu mở rộng phong trào chống tham nhũng trong quân đội. Những mối nghi ngờ lớn đang phủ bóng xuống hai quân khu Chiết Giang và Thẩm Dương, cũng như ông Quách Bá Hùng - một trong những lãnh đạo cựu trào của Quân ủy Trung ương.
Song song với quá trình thanh lọc, ông Tập cũng củng cố địa vị bằng cách phong quân hàm, nâng chức vụ cho hàng loạt tướng lĩnh.
Ông Tập đã nắm chắc quân đội Trung Quốc trong tay
Giới chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, việc hạ bệ hàng loạt quan chức cao cấp chính quyền và kỷ luật nhiều tướng lĩnh quân đội, cùng với việc phong tướng ồ ạt lần này là động thái cho thấy ông Tập đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ "thay máu" cho quân đội, nhằm củng cố vững chắc quyền lực của mình.
Trước đó, liên tiếp trong 2 tháng 3 và 4 năm 2014, 53 tướng lĩnh cao cấp của PLA đã bày tỏ sự trung thành với ông Tập bằng hàng loạt bài xã luận trên các các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng và Quân đội nước này như Nhân dân nhật báo, báo Quân Giải Phóng…
Tất cả tướng lĩnh của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tuyên bố “sẽ học tập chăm chỉ và thực hiện Tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình về quốc phòng và chiến lược quân sự”, sau khi tham dự 3 khóa học, mỗi khóa 6 ngày về “Tư tưởng quân sự Tập Cận Bình” tại Học viện Quốc phòng.
Hồi giữa năm 2014, Quân ủy trung ương Trung Quốc đã chỉ thị cho tất cả các đơn vị trong quân đội treo hình 5 lãnh đạo hàng đầu từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình trong các phòng họp của đơn vị, đồng thời treo các khẩu hiệu quan trọng, thể hiện những Tư tưởng chỉ đạo chủ yếu của các vị lãnh đạo quốc gia qua từng thời kỳ.
Điều này cho thấy, ông Tập đã quyết tâm xây dựng hình ảnh một lãnh tụ, có sức mạnh chi phối quân đội, tương tự như những gì các bậc tiền bối danh vọng nhất của Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… đã làm trước đây và nhiều khả năng là ông sẽ hoàn toàn nắm được quân đội trong tay.