1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ông Tập Cận Bình cảnh báo "Chiến tranh Lạnh kiểu mới"

Minh Phương

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc nói rằng, một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới sẽ xảy ra nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden duy trì các chính sách bảo hộ của chính quyền tiền nhiệm.

Ông Tập Cận Bình cảnh báo Chiến tranh Lạnh kiểu mới - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của WEF (Ảnh: EPA)

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 25/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi áp dụng cơ chế đa phương để giải quyết khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Ông Tập nhấn mạnh, các nước không nên lợi dụng đại dịch để đảo ngược xu thế hội nhập toàn cầu. Ông Tập tránh nhắc trực tiếp đến Mỹ hay chính quyền tân Tổng thống Joe Biden nhưng nói rõ rằng Bắc Kinh sẽ không lệ thuộc vào Washington.

"Tạo dựng các nhóm nhỏ hoặc khơi mào Chiến tranh Lạnh mới nhằm bác bỏ hay hăm dọa quốc gia khác, gián đoạn nguồn cung hay các biện pháp trừng phạt, hay cố tình cô lập, sẽ chỉ đẩy thế giới vào chia rẽ, thậm chí đối đầu", ông Tập nói.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh: "Không vấn đề toàn cầu nào có thể giải quyết với đơn phương một quốc gia. Nó đòi hỏi phải có sự hợp tác toàn cầu, ứng phó toàn cầu và hành động toàn cầu".

"Chúng ta nên xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mở, tuân thủ cơ chế thương mại đa phương, xóa bỏ các tiêu chuẩn đơn phương, loại bỏ các rào cản với thương mại, đầu tư và trao đổi kỹ thuật", ông Tập nói thêm.

Bài phát biểu có thể coi là thông điệp của Bắc Kinh gửi đến chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bối cảnh ông Biden không có dấu hiệu sẽ đảo ngược chính sách cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm với Trung Quốc.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm qua cho biết, chính quyền của ông Biden đã bắt đầu xem xét lại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các hành động của chính quyền tiền nhiệm nhằm vào Bắc Kinh. Bà Psaki cho biết, ông Biden sẽ áp dụng cơ chế đa phương trong các vấn đề Trung Quốc và muốn đảm bảo rằng sẽ có sự phối hợp với các đối tác, đồng minh của Mỹ, với đảng Cộng hòa và Dân chủ ở quốc hội.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã nhanh chóng đảo ngược hàng loạt chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng đến nay chưa có bất cứ động thái tương tự nào đối với các chính sách liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng, chính quyền của ông Biden có thể sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn với Trung Quốc dù không căng thẳng như chính quyền tiền nhiệm. Ông Antony Blinken, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chọn làm ngoại trưởng, hôm 19/1 phát biểu trong phiên điều trần trước quốc hội rằng Trung Quốc đã và đang đặt ra thách thức cho Mỹ lớn hơn bất cứ quốc gia nào.

"Tôi tin ông Trump đã đúng đắn khi có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tôi rất không đồng ý với cách mà ông ấy thực hiện trong một số lĩnh vực nhưng nguyên tắc cơ bản là đúng. Tôi nghĩ rằng điều đó thực sự hữu ích đối với chính sách đối ngoại của chúng tôi", ông Blinken nói.