Ông Putin và cuộc lật ngược thế cờ Trung Đông
Chỉ trong một ngày, Tổng thống Nga Putin đã tới thăm 3 nước trong khu vực, đưa ra những tuyên bố quan trọng và buộc Mỹ phải thừa nhận ưu thế.
Cuộc đột kích Trung Đông
Ngày 11/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện chuyến thăm chớp nhoáng chưa từng có tiền lệ đến khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Chỉ trong 1 ngày ông thăm ba nước Syria, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, đưa ra một loạt những quyết định đối ngoại quan trọng.
Từ 5 giờ sáng, máy bay của ông Putin đã rời Adlersky ở Sochi và 45 phút sau hạ cánh tại sân bay Hmeimim, Syria. Đích thân Tổng thống Syria Bashar al-Assad ra đón tận chân cầu thang máy bay.
Tại Syria, với tư cách Tổng Tư lệnh Tối cao Các lực lượng vũ trang Nga, ông Putin đã hạ lệnh bắt đầu "rút phần lớn quân số" khỏi Syria. Theo con số của Tướng Sergey Surovikin, Chỉ huy các lực lượng vũ trang Nga tại Syria, trong hai năm qua không quân Nga đã thực hiện 7.000 chuyến cất cánh, tiêu diệt gần 32.000 tay súng khủng bố và gần 400 xe tăng, giải phóng gần 1.000 khu vực dân cư.
Cũng theo con số chính thức, Nga đã mất 40 quân nhân trong chiến dịch chống khủng bố ở Syria, trong đó có cả các chỉ huy cấp bậc cao như Trung tướng Valery Asapov và Aleksander Vyaznikov.
Ba giờ sau, Tổng thống Nga tiếp tục hành trình đến Cairo. Sau khi Ai Cập lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi và xây dựng chế độ thế tục vào năm 2013, Moscow đã nhất quán xây dựng quan hệ tin cậy với cộng đồng quân sự của Ai Cập. Một trong những dấu hiệu quan trọng nhất là việc Ai Cập đã mua lại của Pháp hai chiếc tàu sân bay “Mistral” được Nga đóng theo đơn đặt hàng song sau đó bị Pháp từ chối vì án phạt của phương Tây.
Tổng thống Putin cùng Tổng thống Syria al-Assad duyệt đội ngũ tại Hmeimim ngày 11/12
Tại Ai Cập, Tổng thống Putin đã bày tỏ quan điểm về một loán vấn đề quan trọng, từ tình hình Syria, Libya cho tới quy chế của Jerusalem. Hai bên cũng thảo luận các vấn đề kinh tế, trong đó có lễ ký hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ed-Dabaa (Ai Cập).
Trong chặng dừng chân cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề năng lượng hạt nhân cũng được thảo luận, cụ thể là dự án xây dựng nhà máy tại Akkuyu. Còn sau cuộc gặp với ông Erdogan, một lần nữa ông Putin đưa ra quan điểm về quy chế của Jerusalem. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí về khoản vay để mua tên lửa giàn S-400 của Nga.
Lịch trình dày đặc trong chuyến công du Trung Đông này được coi là màn “hạ bài” của ông Putin cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, trong đó nhấn mạnh những thành tích trên mặt trận Trung Đông.
Giới phân tích Nga đánh giá, những tuyên bố rút quân khỏi Syria và nối lại giao thông hàng không với Ai Cập được ông Putin đưa ra xuất phát từ nhu cầu phải có thay đổi, vốn dễ đạt điểm cao trong xã hội Nga.
Ông Putin đã thắng
Trong khi đó giới phân tích Mỹ cũng thừa nhận tuyên bố “thắng lợi” của Tổng thống Putin khi ông phát biểu tại căn cứ Hmeimim, Syria.
Tờ Chicago Tribune của Mỹ cho rằng chuyến công du này nêu bật phạm vi ảnh hưởng mở rộng của Nga ở Trung Đông và vị thế toàn cầu của nhà lãnh đạo Nga, người vừa tuyên bố tuần trước rằng ông đang chạy đua cho nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử tháng 3/2018.
Tổng thống Ai Cập al-Sisi và Tổng thống Nga Putin tại Cairo ngày 11/12
Phát biểu với các binh sĩ Nga tại căn cứ không quân Hmeimim ở Syria, ông Putin đã nhắc đến chiến thắng trước “các kẻ khủng bố” và tuyên bố sự rút quân một phần của các binh sĩ Nga. Ông nói: “Các bạn đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp nhất của một binh sĩ Nga - sự can đảm, quả cảm, tinh thần đồng đội, sự kiên quyết và các kỹ năng xuất sắc. Tổ quốc tự hào về các bạn”.
Ông Putin đã ca ngợi nỗ lực của Nga trong việc giúp đỡ lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành được thế áp đảo trước IS và phe nổi dậy. Ông Putin cũng cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội rút “một phần đáng kể” các binh sĩ Nga ở Syria - dù ông từng tuyên bố rút quân trước đó.
Tướng Sergei Surovikin, chỉ huy lực lượng Nga tại Syria, nói rằng quân đội nước này sẽ rút 23 máy bay chiến đấu, 2 trực thăng chiến đấu, các đơn vị lực lượng đặc nhiệm, các quân cảnh và kỹ sư.
Lực lượng ở lại sẽ đủ để “hoàn tất thành công các nhiệm vụ” giúp ổn định tình hình ở Syria. Tuy nhiên, ông không cho biết còn bao nhiêu binh sĩ và vũ khí ở lại đây.
Lầu Năm Góc đã bày tỏ sự nghi ngờ về các tuyên bố rút quân và vũ khí của Nga khỏi Syria. Đại tá Rob Manning, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, cho rằng các tuyên bố tương tự đã nhiều lần được đưa ra trong quá khứ “song thường không đi đôi với hành động trong thực tế”. Ông nói rằng các tuyên bố về việc rút quân của Nga sẽ không ảnh hưởng tới cuộc chiến của Mỹ và liên quân chống lại các phần tử IS.
Binh sĩ Nga tại Hmeimim duyệt đội ngũ khi Tổng thống Putin đến thăm
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới Syria, nơi Nga đã bắt đầu chiến dịch không kích từ năm 2015. Ông đã tiếp đón ông Assad 2 lần trong 6 năm qua, bao gồm chuyến thăm không báo trước hôm 21/11 của ông Assad tới khu nghỉ dưỡng ở Sochi.
Chuyến công du “chớp nhoáng” của ông Putin tới Syria, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào thời điểm khi các nhà lãnh đạo ở Trung Đông và bên ngoài khu vực đang chỉ trích quyết định hồi tuần trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đi ngược lại chính sách của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Putin nói rằng động thái của Mỹ “không giúp đỡ tiến trình hòa bình ở Trung Đông mà còn gây bất ổn tình hình vốn rất gay go ở khu vực này”. Phát biểu cạnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Putin khẳng định quyết định này có thể “chấm dứt triển vọng cho tiến trình hòa bình Palestine-Israel”.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Ankara ngày 11/12
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Trung Đông đã vượt ra khỏi Syria và Ai Cập. Quốc vương Salman của Saudi Arabia đã tới gặp ông Putin hồi tháng 10/2017 khi hai quốc gia rũ bỏ sự thù địch và nghi ngờ lẫn nhau kéo dài nhiều thập kỷ.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, Saudi Arabia đã từng giúp vũ trang các phần tử nổi dậy Afghanistan chiến đấu chống Liên Xô. Gần đây, căng thẳng đã dâng cao do việc quân đội Nga giúp đỡ ông Assad, người mà Riyadh khẳng định phải ra đi như một phần trong bất kỳ phương thức giải quyết nào cho cuộc nội chiến ở Syria.
Tại Ai Cập, ông đã tìm cách củng cố quan hệ với cường quốc chủ chốt trong khu vực mà trong 3 năm qua đã chi hàng tỷ USD mua vũ khí của Nga và ủng hộ sự can thiệp của Moscow vào Syria trong lúc các nước khác lên án hành động này.
Sức mạnh của Nga tại Trung Đông không phải là tuyệt đối nhưng chính danh và hiệu quả
Trong chuyến thăm Ai Cập lần thứ 2 trong nhiều năm qua và gặp gỡ Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi, ông Putin khẳng định: “Nga luôn quan tâm đặc biệt đến việc mở rộng quan hệ hữu nghị và cùng mang lại lợi ích chung với Ai Cập, một đối tác tin cậy lâu năm của chúng tôi ở Trung Đông và Bắc Phi”.
Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin và ông Erdogan đã thảo luận về các diễn biến ở Syria và Trung Đông cũng như quan hệ song phương. Trong cuộc họp báo, ông Erdogan cho biết đây là cuộc gặp gỡ lần thứ 8 giữa hai bên trong năm nay và gọi ông Putin là “người bạn thân mến”. Ông Putin cũng gọi ông Erdogan là “người bạn”, nhấn mạnh đến vai trò của ông trong việc giúp đàm phán về tiến trình hòa bình ở Syria.
Những chi tiết trên được tờ báo Mỹ kể ra nhằm tái khẳng định đánh giá nhà lãnh đạo Nga đã “thắng lợi” trong chuyến công du Trung Đông, nơi mà Mỹ đang đối mặt nguy cơ bị hàng loạt đồng minh Arab quay mặt sau tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Theo Bảo Minh
Báo đất việt