1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Putin hạ nhiệt khi châu Âu tăng chú ý Đông Ukraine

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thảo luận về cuộc xung đột Ukraine với 2 lãnh đạo phương Tây ở G-20.

Điện Kremlin cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thảo luận về cuộc xung đột Ukraine với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.

Ba nhà lãnh đạo đã nhất trí gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra vào ngày 4- 5/9 sau cuộc đàm thoại 3 bên ngày 23/8 về "triển vọng tiếp tục duy trì hòa ước Minsk" để giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, tuyên bố của Điện Kremlin cho biết.

Lãnh đạo 3 nước Nga, Đức, Pháp trong một cuộc thảo luận.
Lãnh đạo 3 nước Nga, Đức, Pháp trong một cuộc thảo luận.

Cũng theo tuyên bố của Điện Kremlin, trong cuộc đàm thoại 3 bên, ông Putin đã nói với bà Merkel và ông Hollande rằng, các cuộc tấn công có chủ đích vào bán đảo Crimea do bàn tay của "những kẻ phá hoại Ukraine" đạo diễn đang gây bất lợi cho các cuộc đàm phán 4 bên vốn có theo định dạng Normandy bao gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine về cuộc xung đột Ukraine.

Tiến trình cuộc đàm phán 4 bên trước đó bị Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định hủy bỏ và coi là "không có ý nghĩa" do liên quan tới các động thái gia tăng căng thẳng của Ukraine đối với bán đảo Crimea.

Cuộc đàm phán giữa 3 lãnh đạo Đức, Nga, Pháp về hòa bình ở miền Đông Ukrane được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp bày tỏ "quan ngại" về tình hình ở quốc gia Đông Âu này.

Văn phòng Tổng thống Pháp hôm 23/8 cho biết trong cuộc điện đàm 3 bên, Tổng thống Francois Hollande đã bày tỏ "quan ngại" với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về tình trạng gia tăng căng thẳng trong mấy tuần qua ở Ukraine.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc điện đàm, gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ: "Ông (Hollande) đã nhấn mạnh nguy cơ mà tình trạng leo thang bạo lực đã gây ra cho tiến trình (hòa bình)" ở miền Đông Ukraine.

Điều này được cho là yếu tố thúc đẩy dẫn tới cuộc đàm phán sắp tới ở Hội nghị G-20 bởi tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine vốn đã bị Đức và Pháp coi nhẹ trước đó.

Bất chấp các cáo buộc qua lại giữa hai phe ly khai và quân đội chính phủ cũng như các quan sát viên của Ủy ban giám sát đặc biệt (SMM) thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) lên tiếng cáo buộc các cuộc xung đột vũ trang và vũ khí hạng nặng vẫn xảy ra ở Donbass, Đức và Pháp đã dường như không thể hiện bất cứ quan điểm nào mạnh mẽ hơn để thực hiện tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine thông qua thỏa thuận Minsk.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng cáo buộc các âm mưu tấn công khủng bố của cơ quan Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine vào bán đảo Crimea vốn đã thuộc về Nga từ năm 2014.

Tổng thống Nga cho rằng, Ukraine đã lựa chọn con đường "khủng bố thay vì hòa bình" khi đã có 2 binh sỹ Nga thiệt mạng tại đây. Vụ tấn công được Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) phát hiện ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Nga vào tháng 9 tới.

Phía Ukraine đã bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời tuyên bố Nga đang tăng cường quân, cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự gần Crimea. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội gần bán đảo Crimea và vùng Donbass ở miền Đông Ukraine "sẵn sàng cho chiến tranh."

Các đơn vị quân đội Ukraine đóng tại khu vực giáp ranh với bán đảo Crimea ngày 11/8 cũng đã thi hành hàng loạt biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyển quân và phương tiện theo chỉ thị của Tổng thống.

Xe tăng đi dọc con phố chính Khreshchatyk Street trong một buổi diễn tập diễu hành quân sự, trước kỷ niệm ngày Độc lập Ukraine, ở Kiev hôm 22/8.
Xe tăng đi dọc con phố chính Khreshchatyk Street trong một buổi diễn tập diễu hành quân sự, trước kỷ niệm ngày Độc lập Ukraine, ở Kiev hôm 22/8.

Trong một diễn biến liên quan tới tình hình Ukraine, Ủy ban điều tra Nga đã khởi xướng một vụ án hình sự đối với các quan chức quân sự hàng đầu Ukraine. Trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak.

Theo các nhà điều tra, Ukraine - một bên tham gia trong cuộc xung đột ở khu vực Donbass đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Ủy ban này cáo buộc ông Stepan Poltorak và một số sĩ quan cao cấp khác đã tổ chức cho các quân nhân và cựu binh sĩ nước này tham gia thực hiện cuộc tấn công khủng bố vào các cơ sở vật chất ở Crimea.

Hiện nay Ủy ban này đang tập trung vào việc thu thập thêm các bằng chứng.

Trước đó ngày 22/8, Viện Công tố Ukraine đã gửi giấy triệu tập đến một số quan chức cấp cao và lãnh đạo Bộ Quốc phòng của Nga, cũng như “đưa ra nghi ngờ” với Tổng thống và Thủ tướng Nga.

Tại cuộc họp báo, Trưởng công tố Ukraine Yuri Lutsenko cho biết, 20 lãnh đạo chính quyền và các lực lượng vũ trang Nga bị nghi ngờ “phạm tội chống lại các nền tảng an ninh quốc gia của Ukraine”.

Theo Đông Phong (Tổng hợp từ Sputnik, Interfax-Ukraine)

Đất Việt