1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Duterte kể chi tiết cuộc trao đổi "khó khăn" với ông Tập Cận Bình về Biển Đông

(Dân trí) - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thừa nhận ông không có giải pháp nào để buộc Trung Quốc phải công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Ông Duterte kể chi tiết cuộc trao đổi khó khăn với ông Tập Cận Bình về Biển Đông - 1

Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Duterte tại Bắc Kinh ngày 29/8 (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Philippines)

Trong cuộc họp báo vào cuối ngày 4/9, Tổng thống Rodrigo Duterte lần đầu tiên chia sẻ về cuộc trao đổi của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông có chuyến thăm tới Bắc Kinh tuần trước. Nhà lãnh đạo Philippines đã nhận được câu hỏi về động thái tiếp theo của ông đối với Trung Quốc.

“Họ (Trung Quốc) nói rằng đó là vùng biển của họ và điều tồi tệ là họ cho rằng đó là quyền lịch sử của họ và họ có quyền kiểm soát tài sản đó”, ông Duterte nói.

Tổng thống Duterte khẳng định ông đã đề cập tới phán quyết về vấn đề Biển Đông khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc khác. Tổng thống Philippines cũng thuật lại lời nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói thầm với ông.

“Ông biết đấy, tuyên bố của chúng tôi đó là: “Chúng tôi sẽ không thay đổi quan điểm”. Chúng tôi không muốn thảo luận vì đó là vùng biển của chúng tôi. Chúng tôi sở hữu tài sản đó. Tại sao chúng tôi lại phải trao đổi với ông về việc đó”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Duterte.

Khi đó, ông Tập Cận Bình tìm cách chuyển hướng sang một chủ đề khác. Ông Duterte cho biết ông cũng không muốn gây sức ép với ông Tập, vì ông biết nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dành mối quan tâm cho các cuộc biểu tình tại Hong Kong.

“Một cách lịch sự, tôi đã nói, “Tôi sẽ không nhấn mạnh vào câu trả lời của ông bây giờ. Tôi không hài lòng với câu trả lời của ông, nhưng tôi sẽ không đòi hỏi thêm những câu trả lời khác. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, như tôi nói ban đầu, vì tôi biết ông đang chịu áp lực trước các vụ việc ở Hong Kong”, ông Duterte kể lại cuộc trao đổi với ông Tập Cận Bình.

Chia sẻ tại cuộc họp báo, nhà lãnh đạo Philippines cho biết: “Họ (Trung Quốc) đang có vấn đề, nên ông ấy (Chủ tịch Tập Cận Bình) rất nóng nảy. Chúng ta nên chọn thời điểm. Bạn biết đấy, đó là nghệ thuật ngoại giao”.

“Nếu một người bị mất một đứa con hoặc bị bạn gái bỏ rơi, anh ta thực sự nóng nảy”, ông Duterte nhận định.

Cũng theo Tổng thống Duterte: “Thật không dễ dàng khi có bất hòa, tranh chấp với hàng xóm”.

Ông Duterte thừa nhận rằng Trung Quốc vượt trội hơn Philippines về vũ trang.

“Đó là sự thật rõ ràng. Sức mạnh là lẽ phải”, ông Duterte nói.

“Tôi không thể gây chiến. Philippines sẽ chỉ hao mòn thêm. Sự thật là tôi sẽ không dám gây chiến vì chúng ta không có khả năng. Tôi phải nói thẳng với người Philippines như vậy. Chúng ta không có khả năng. Và chiến tranh cũng không tốt đẹp gì cả”, Tổng thống Philippines nói.

Tổng thống Duterte cho biết ông đã hỏi Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, làm thế nào để giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình. Đáp lại, ông Tập nói rằng tranh chấp hàng hải “vẫn là một vấn đề” đối với các bên.

“Nó giống như một cái gai. Nó giống như một ngón tay bị đau âm ỉ hàng ngày”, ông Duterte so sánh.

Khi được hỏi về động thái tiếp theo của Philippines, ông Duterte cho biết: “Nếu tôi bước vào cuộc chiến, tất cả các bạn phải đồng ý với tôi rằng chúng ta sẽ cùng bước vào cuộc chiến và đó sẽ là lúc kết thúc nền văn minh của chúng ta… Nếu phải chết, tất cả chúng ta cùng chết”.

Tổng thống Duterte cũng lên tiếng thách thức Mỹ, một đồng minh lâu năm của Philippines, về việc liệu Washington có thể trợ giúp hay không.

“Nếu chỉ nói là anh thực thi luật hàng hải thì dễ lắm… Nhưng Trung Quốc đã tuyên bố họ có chủ quyền lịch sử và đang kiểm soát tài sản (Biển Đông). Bây giờ, liệu Mỹ có thể cứu chúng ta? Liệu Mỹ có sẵn sàng tham chiến hay không?”, ông Duterte đặt câu hỏi.

Vào tháng 7/2016, tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) ở Hà Lan ra phán quyết về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp Biển Đông. Phán quyết này đã vô hiệu hóa yêu sách đơn phương của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” đối với hầu hết diện tích Biển Đông.

Thành Đạt

Theo Straitstimes, Inquirer