1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ông Biden thẳng thắn nêu các quan ngại trong lần đầu điện đàm với ông Tập

An Bình

(Dân trí) - Trong cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi nhậm chức với ông Tập Cận Bình, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây sức ép nhà lãnh đạo Trung Quốc về thương mại, Hong Kong, cùng nhiều vấn đề khác.

Ông Biden thẳng thắn nêu các quan ngại trong lần đầu điện đàm với ông Tập - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)

Nhà Trắng hôm qua cho biết, Tổng thống Biden đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/2, kết nối trực tiếp đầu tiên của ông với nhà lãnh đạo hai nền kinh tế thứ 2 thế giới kể từ khi chiến thắng bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái và nhậm chức hồi tháng trước.

Đây cũng là cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Tập và một tổng thống Mỹ trong gần 1 năm qua, kể từ khi ông trò chuyện với cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 3 năm ngoái. Kể từ đó, quan hệ giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Hãng tin AP dẫn tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, ông Biden đã "nhấn mạnh các lo ngại cơ bản về các biện pháp kinh tế không công bằng và cưỡng ép của Bắc Kinh, vấn đề Hong Kong, các hành động của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ cũng như các cộng đồng thiểu số khác ở Tân Cương  và các hành động ngày càng quyết đoán trong khu vực, trong đó có đối với Đài Loan".

Hai nhà lãnh đạo "cũng trao đổi quan điểm việc đối phó với đại dịch Covid-19 và các thách thức chung về an ninh y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và ngăn chặn phổ biến vũ khí", ám chỉ mong muốn của Mỹ nhằm hợp tác với Bắc Kinh thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, Nhà Trắng cho biết.

Ngoài ra, ông Biden cũng nhấn mạnh với ông Tập rằng một ưu tiên của Mỹ là duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Cách tiếp cận "thực tế, cứng rắn và sáng suốt"

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền nói với các nhà báo trước cuộc điện đàm trên rằng ông Biden sẽ "thực tế, cứng rắn và sáng suốt" trong các trao đổi với ông Tập, nhưng muốn đảm bảo rằng họ có cơ hội để trao đổi cởi mở, bất chấp các lo ngại của Washington về các hành động của Bắc Kinh.

Quan chức trên cho biết, cuộc điện đàm diễn ra vào thời điểm Mỹ tin rằng nước này đang ở một vị thế mạnh mẽ, sau các cuộc tham vấn với các đồng minh và đối tác, để nêu ra những quan ngại cốt lõi về "các hành vi gây hấn và lạm dụng" của Trung Quốc.

Tuy nhiên, quan chức trên nói thêm, cuộc điện đàm không đề cập vấn đề sự tham gia của Mỹ tại Opympic Mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh, bất chấp các kêu gọi ngày càng gia tăng về việc hủy sự kiện thể thao này do các vụ lạm dụng tại Trung Quốc và việc Washington cáo buộc Bắc Kinh đã "phạm tội diệt chủng" đối với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương.

Trong những tháng tới, chính quyền Biden cũng sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác xem xét bổ sung các biện pháp trừng phạt mới đối với các mặt hàng xuất khẩu cụ thể công nghệ nhạy cảm tới Trung Quốc, quan chức trên nói.

Ngoài ra, quan chức trên cũng nhấn mạnh, sẽ không có các động nhanh chóng nhằm dỡ bỏ các biện pháp thuế quan thời chính quyền Trump đối với Trung Quốc, nhưng sẽ gia tăng tham vấn với các đồng minh về cách thức đối phó vấn đề mất cân bằng thương mại với Bắc Kinh.

Cuộc điện đàm trên diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống Biden công bố các kế hoạch thanh lập một lực lượng mới của Lầu Năm Góc nhằm xét lại chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ với Trung Quốc.

Trước khi có cuộc điện đàm với ông Tập, ông Biden đã điện đàm với các nhà lãnh đạo khác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Australia Scott Morrison. Trong các cuộc điện đàm, Tổng thống Biden đã cố gắng gửi đi thông điệp rằng ông sẽ có cách tiếp cận hoàn toàn khác với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Donald Trump - người đặt các vấn đề thương mại và kinh tế lên trên tất cả những vấn đề khác trong quan hệ Mỹ - Trung.

Thứ 6 tuần trước, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì. Đây là cuộc trao đổi cấp cao đầu tiên giữa các nhà ngoại hàng đầu 2 nước kể từ khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp ông Dương tại Hawaii hồi tháng 6 năm ngoái.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm