Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Reuters |
John Kerry: Hành trình trở lại Việt Nam
Trở thành Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 2 năm nay, ông Kerry đã mơ ước quay trở lại Việt Nam, nơi ông có nhiều trải nghiệm thời chiến tranh và sau đó có nhiều đóng góp tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước.
Ước mơ ấy đã thành hiện thực khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức thông báo kế hoạch thăm Việt Nam (và Philippines) của ông Kerry bắt đầu từ 11/12.
Thời điểm đắc cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định đưa một thế hệ cựu binh chiến tranh Việt Nam vào những vị trí quan trọng hàng đầu trong nội các. Đó là Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng. Khi công bố quyết định đề cử ông Kerry vào vị trí Ngoại trưởng, Tổng thống Obama đã khẳng định: “Ông ấy hiểu rằng chúng ta có trách nhiệm trong việc sử dụng sức mạnh của Mỹ một cách khôn ngoan, đặc biệt là sức mạnh quân sự”.
Rõ ràng những năm tháng ở chiến trường trong chiến tranh Việt Nam (kể từ 1966) với vai trò trung uý hải quân, chỉ huy tàu tuần tra hoạt động ở tiểu vùng Mekong đã dạy cho Kerry bài học đau thương không bao giờ quên; giúp ông đánh giá chính xác giá trị sinh mạng của con người, sự hy sinh vô nghĩa của lính Mỹ vì những quyết định sai lầm từ giới lãnh đạo Washington.
Trở lại Mỹ đầu những năm 1970, Kerry trở thành biểu tượng phản chiến. Năm 1971, ông ra trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ để điều trần về chiến tranh Việt Nam. Câu chất vấn: "Làm sao có thể yêu cầu một con người phải chết cho một sai lầm?" của Kerry được trích dẫn nhiều nhất trong các bài viết về ông.
Năm 1991, lần đầu tiên, Kerry đã trở lại Việt Nam trong vai trò dân sự.
Để rồi 22 năm sau, lúc chào đón Chủ tịch nướcTrương Tấn Sang tới thăm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháng 7/2013, ông đã kể lại: "Tôi có thể cảm nhận sự năng động đáng kinh ngạc của người Việt Nam, chưa được khám phá, một cảm nhận về tinh thần sẵn sàng tham gia hội nhập với thế giới, và thế giới cũng rất sẵn sàng hội nhập với Việt Nam. Người Việt Nam đã học được từ chính lịch sử của họ rằng, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có tình bạn được gây dựng".
Từ 1991-1993, ông Kerry làm chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đặc trách việc tìm hiểu, gom góp dữ kiện về POW/MIA. Năm 1994, Thượng viện thông qua đề nghị của Kerry và John McCain gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa Việt - Mỹ. Trước khi thành Ngoại trưởng, ông Kerry vẫn hợp tác chặt chẽ với thượng nghị sĩ John McCain để tìm kiếm hài cốt các binh sĩ mất tích tại Việt Nam.
Giới ngoại giao đánh giá, John Kerry và John McCain chính là những nhịp cầu nối quan hệ Việt-Mỹ.
Trong phát biểu chào đón Chủ tịch Việt Nam, ông Kerry đã bày tỏ: "... Tôi luôn biết ơn các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người đã xây dựng mối quan hệ đối tác đặc biệt để giúp chúng ta ngày nay có thể ở nơi đây thế này. Họ đã giúp chúng tôi tìm kiếm hàng nghìn người con trai kể cả khi phần lớn số ấy mất tích. Họ tình nguyện đào xới những cánh đồng lúa của mình để giúp chúng tôi cố gắng trả lời các câu hỏi. Họ cho chúng tôi vào nhà của họ, cho chúng tôi tới những di tích lịch sử. Họ cho chúng tôi tới thăm các nhà tù mà không cần báo trước, phỏng vấn tù nhân. Và họ để cho trực thăng bay ở các thôn làng, để hỏi người dân, trả lời các câu hỏi chưa được trả lời trong nhiều năm".
Năm 2000, ông Kerry đã tháp tùng Tổng thống Clinton - vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam và tận mắt chứng kiến thành quả bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ mà ông có nhiều đóng góp.
Hơn một thập niên sau, ông lại chuẩn bị đến Việt Nam ở một tâm thế khác, một sứ mệnh khác. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, việc Ngoại trưởng John Kerry tới thăm Việt Nam, Philippines chứng tỏ cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực. Bà cũng cho biết, chuyến thăm Việt Nam của ông Kerry nhằm nhấn mạnh sự chuyển biến sâu sắc trong quan hệ giữa hai nước trong những năm qua và mối quan hệ đối tác đang phát triển trên nhiều lĩnh vực.