Obama: Thỏa thuận quân sự với Philippines tăng cường an ninh châu Á
(Dân trí) - Philippines và Mỹ sáng nay đã ký thỏa thuận 10 năm về tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines ngay trước khi Tổng thống Obama đặt chân tới Philippines.
Tổng thống Mỹ Obama đã đặt chân tới Philippines, chặng cuối cùng trong chuyến công du châu Á 8 ngày của ông, vào chiều ngày 28/4, vài giờ sau khi Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường được ký giữa Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg. Tờ Philstar của Philippines trước đó cũng dẫn lời Bộ trưởng Gazmin cho hay thỏa thuận dự kiến sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Philippines, khẳng định mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước.
Phát biểu về thỏa thuận quân sự mới vừa được ký, Tổng thống Mỹ Obama cho rằng thỏa thuận sẽ cho phép quân Mỹ tiếp cận lớn hơn với các căn cứ của Philippines, giúp thúc đẩy an ninh khu vực, tăng cường huấn luyện các lực lượng vũ trang và giảm thời gian phản ứng với các thảm họa nhân đạo, trong đó có thảm họa tự nhiên.
“Hợp tác rộng lớn hơn giữa lực lượng Mỹ và Philippines sẽ củng cố khả năng huấn luyện và diễn tập của chúng ta cũng như khả năng phối hợp, phản ứng nhanh hơn với một loạt thách thức, trong đó có thảm họa nhân đạo và các thảm họa như bão Yolanda (bão Hải Yến hay Haiyan)”, ông Obama cho biết với hãng ABS-CBN News của Philippines. “Nó cũng sẽ giúp Philippines tiếp tục xây dựng khả năng phòng thủ và sẽ giúp chúng ta củng cố hợp tác an ninh trên khắp khu vực”.
Thỏa thuận này được coi là bước cụ thể mới nhất trong chiến lược xoay trục qua châu Á của Washington, sẽ cho phép quân đội Mỹ được tiếp cận một số căn cứ quân sự chọn lọc, xây dựng thêm các cơ sở mới và triển khai các loại thiết bị, chiến đấu cơ và chiến hạm.
Thỏa thuận sau khi ký kết sẽ được chính phủ Philippines ban hành với tư cách là một văn kiện hành pháp. Điều này cho phép thỏa thuận có hiệu lực ngay, mà không cần phải thông qua thủ tục phê chuẩn tại Quốc hội.
Thỏa thuận quân sự được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trở nên hết sức căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc, và Manila đã quay sang Washington, một đồng minh lâu đời, để trông cậy trong việc tăng cường năng lực quốc phòng bảo vệ lãnh thổ, ngăn chặn tham vọng chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Yêu cầu của Philippines cũng trùng hợp với chủ trương mới của Hoa Kỳ, chuyển ưu tiên chiến lược sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sau nhiều năm trời bị vướng vào hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Trong chính sách gọi là xoay trục này, Philippines đã trở thành một trụ cột quan trọng của Mỹ tại Đông Nam Á.
Theo AFP, Philstar