1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Obama thất bại, quan hệ Nga-Mỹ sẽ ra sao?

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa bị cử tri trừng phạt vì sự “nhu nhược” trong chính sách đối ngoại khiến Mỹ mất vai trò “sếp sòng” của thế giới. Đảng Cộng hòa thắng thế liệu có đẩy quan hệ Nga-Mỹ tới bờ vực thẳm?

Tổng thống Putin (trái) và đồng nhiệm Mỹ Obama
Tổng thống Putin (trái) và đồng nhiệm Mỹ Obama

Nga-Mỹ khó thay đổi?

Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Obama đã thất bại thảm hại, từ Trung Đông đến Nga-Ukraina. Với cuộc tranh chấp Israel-Palestine, vào lúc nhậm chức, ông Obama từng cam kết giải quyết trong một năm. Nhưng mục tiêu hai Nhà nước Israel và Palestine cùng song song tồn tại vẫn rất xa vời, tiến trình Israel xâm chiếm các vùng đất trên nguyên tắc là của người Palestine vẫn tiếp tục...

Iraq là một thất bại lớn thứ hai. Việc ông Obama cho rút quân quá sớm khỏi nước này vào năm 2010, là một lỗi lầm gần nặng bằng quyết định tấn công Iraq của ông Bush vào năm 2003. Và khi phải can thiệp chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã ngóc đầu dậy từ khi người Mỹ rút đi, ông Obama lại phạm sai lầm khi công khai báo trước cho kẻ thù rằng sẽ không có vấn đề can thiệp trên bộ. Tại vùng Trung Đông, chính sách của Mỹ còn gặp khó khăn tại Syria, tại Ai Cập.

Còn ở châu Âu, đường lối gọi là khởi động lại quan hệ với Nga cũng thất bại. Kết quả là ngoại giao Mỹ-Nga lâm vào bế tắc. Một số chuyên gia tin rằng mối bang giao giữa Washington và Moskva đang ở điểm thấp nhất trong nhiều thập niên.

Xung quanh vấn đề Ukraina, ông Obama đã để cho các nhà ngoại giao của mình công khai ủng hộ những người biểu tình trên quảng trường Maidan chống lại một Tổng thống được bầu lên một cách hợp pháp. Nước Mỹ lại có thái độ coi nhẹ Liên minh châu Âu trong việc giải quyết khủng hoảng bùng lên, và đã phá vỡ một khả năng thỏa hiệp với Nga ngày 21/4/2014.

Nay khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện quốc hội, liệu điều đó có một ảnh hưởng nào đối với bang giao Nga Mỹ hay không? Bày tỏ ý kiến riêng của mình, ông John Parker, chuyên gia về Nga tại Đại học Quốc phòng Quốc gia nói: “Sẽ không có thay đổi lớn nào sau kết quả cuộc bầu cử kỳ này về mặt bang giao Nga-Mỹ. Ta sẽ nghe thấy những tiếng nói mạnh hơn từ thượng viện vào những thời điểm khủng hoảng với Nga, có thể có sự hối thúc phải có hành động quyết liệt hơn về mặt cấm vận mà Mỹ đã áp dụng ở một mức độ nào đó. Nhưng tôi cho rằng sẽ không có gì là đáng kể”.

Nhà nghiên cứu Robert Legvold của trường Đại học Columbia nói: “Chính quyền Obama sẽ tiếp tục chính sách hiện thời đối với Nga, đầu tiên và trên hết là tìm cách cô lập Moskva trên chính trường quốc tế. Tiếp đó là duy trì các biện pháp chế tài. Và giả sử mọi thứ không đi đúng hướng ở Ukraina, thì gia tăng áp lực áp đặt thêm các biện pháp chế tài, hợp tác với phía châu Âu để làm việc đó”.

Về phần mình, cựu ngoại trưởng Henry Kissinger nói rằng Nga phải là một phần cấp thiết của bất cứ hệ thống quốc tế nào. Hiện có rất ít thiện chí ở Washington hoặc ở Moskva muốn xoay chuyển tình hình bang giao.

Chính sách đối ngoại sắp tới của Mỹ?

Việc phe Cộng hòa kiểm soát cả hai viện quốc hội sẽ thu hẹp không gian hoạt động của Tổng thống Obama về những mục tiêu lớn nhất của ông trong chính sách đối ngoại. Điều này sẽ tạo thêm nhiều sự khó khăn cho Tổng thống Obama trong việc đạt được những tiến bộ mà ông muốn thấy trong cuộc thương thuyết về vấn đề hạt nhân Iran và tiến trình hòa bình giữa Israel với Palestine. Cả hai vấn đề này trong những năm qua đã trở thành một quả bóng chính trị mà cả hai đảng đã mang ra đá ở quốc hội.

Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran theo lịch trình sẽ kết thúc trong tháng này và các nhà thương thuyết quốc tế đang ra sức thuyết phục Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng của một số biện pháp chế tài kinh tế.

Thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa dẫn đầu phe chỉ trích sự hậu thuẫn chậm chạp của Mỹ dành cho phe nổi dậy có chủ trương ôn hòa ở Syria và có thể ông McCain sẽ thúc đẩy cho một vai trò quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ ở Syria. Nhà phân tích Robert Manning của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định: "Tôi nghĩ rằng về mặt an ninh, chúng ta sẽ thấy Thượng nghị sĩ McCain lên nắm chức Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Việc đó sẽ tạo ra nhiều ý kiến bất đồng đối với vấn đề chi tiêu quốc phòng và một số hoạt động quân sự của chúng ta ở Trung Đông và những nơi khác".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng, các nhà ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với bất cứ ai nắm quyền kiểm soát quốc hội. "Bộ Ngoại giao là một nơi không có tính chất đảng phái và là nơi mà chúng tôi làm việc với phe Dân chủ và phe Cộng hòa. Cho nên chúng tôi sẽ tiếp tục đi tới với nhận thức đó".

Về vấn đề ông Kerry có tiếp tục giữ chức ngoại trưởng hay không, các bài tường thuật của giới truyền thông trong cuộc vận động bầu cử giữa kỳ trích dẫn những nguồn tin trong chính phủ Obama chỉ trích ông Kerry là không tuân hành sát sao chính sách đối ngoại của ông Oabma. Phát ngôn viên Jen Psaki nói rằng “ông Kerry sẽ tiếp tục giữ chức Ngoại trưởng”.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm