1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Một loạt cuộc gặp cấp cao bên lề G-20:

Obama, Medvedev “điều chỉnh” quan hệ bằng hiệp ước vũ khí

(Dân trí) - 1/4, một ngày đầy ắp các cuộc gặp cấp cao, trong đó đáng chú ý là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev nhằm mở ra một trang mới trong quan hệ Mỹ và Nga bằng việc theo đuổi thoả thuận mới, tiến tới cắt giảm đầu đạn hạt nhân.

Obama, Medvedev “điều chỉnh” quan hệ bằng hiệp ước vũ khí - 1
Cuộc gặp được mong đợi giữa Tổng thống Nga Medvedev và Tổng thống Mỹ Obama.
 
Nga - Mỹ mở sang trang mới
 
Đúng như chờ đợi của dư luận, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp gỡ song phương đầu tiên vào hôm qua bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại London, Tổng thống Medvedev nói: “Trong quá khứ, đã có những căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta… Điều này không có lợi cho Mỹ, Nga hay sự ổn định của toàn cầu. Chúng tôi đồng ý mở ra trang mới trong quan hệ này, để khởi động lại mối quan hệ, vì trách nhiệm chung của hai nước với tình hình của thế giới”.

Về phía mình, ông Obama cho biết ông và Tổng thống Nga đã bắt đầu “cuộc đối thoại mang tính xây dựng” về các vấn đề từ phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố đến ổn định kinh tế.

Trong bản thông cáo chung, hai tổng thống Nga và Mỹ đã đồng ý khởi động các cuộc đàm phán nhằm giảm bớt kho vũ khí hạt nhân mà hai quốc gia đang nắm giữ trong tay. Vòng đàm phán này nhằm thay thế Hiệp Định Start 1, trên nguyên tắc sẽ hết hiệu lực vào tháng 12 tới.

Hai tổng thống cũng đồng ý hợp tác trên hồ sơ phòng thủ chống tên lửa, một vấn đề đã tạo ra căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Mátxcơva dưới thời tổng thống Bush. Về vấn đề Iran, cả hai ông đều kêu gọi Teheran hợp tác với Liên Hợp Quốc và chứng tỏ cho quốc tế thấy là chương trình hạt nhân của họ nhằm phục vụ mục đích hòa bình.

Cả hai vị tổng thống đều muốn chứng tỏ rằng quan hệ hai nước đã được điều chỉnh trở lại trên cơ sở hoà dịu hơn. Ông Medvedev tuyên bố lạc quan về triển vọng bang giao Mỹ-Nga, trong lúc tổng thống Obama thông báo sẽ công du nước Nga vào tháng 7 tới.

Tổng thống Mỹ nhận lời mời thăm Trung Quốc

Obama, Medvedev “điều chỉnh” quan hệ bằng hiệp ước vũ khí - 2
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bắt tay Tổng thống Mỹ Obama. Bên cạnh 2 ông là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
 
Ông Obama đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ song phương và Tổng thống Mỹ nhận lời mời thăm Trung Quốc trong năm nay.

Tuyên bố từ Nhà Trắng cho biết thêm hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tiết kiệm năng lượng, thay đổi khí hậu, chống khủng bố, giáo dục và y tế.

Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý thiết lập cơ chế “Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung”.

Washington - London: Hãy có tiếng nói chung

Obama, Medvedev “điều chỉnh” quan hệ bằng hiệp ước vũ khí - 3
Thủ tướng Anh Brown và Tổng thống Mỹ Obama.
 
Trong cuộc hội kiến với Thủ Tướng Anh Gordon Brown, ông Obama cùng lên tiếng kêu gọi toàn cầu đoàn kết để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Obama nêu lên nhu cầu phải tập trung vào những điểm tương đồng, chứ không phải một vài những bất đồng giữa các cường quốc thế giới. Cả hai nhà lãnh đạo đều nói rằng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không phải là giải pháp cho cuộc suy thoái toàn cầu.

Ông Obama và ông Brown cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đối phó với các vấn đề ở Afghanistan, Trung Đông và quan hệ với Iran.
 
Pháp - Đức thống nhất quan điểm 

Obama, Medvedev “điều chỉnh” quan hệ bằng hiệp ước vũ khí - 4
Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Đức Merkel.
 
Lãnh đạo Pháp và Đức cũng nhân dịp này thống nhất quan điểm: cần có sự kiểm soát gắt gao hơn đối với hệ thống tài chính thế giới tại hội nghị G20.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói thanh sát tài chính là "mục tiêu không thương lượng". Thủ tướng Đức Angela Merkel thì cho rằng hội nghị cần đưa ra những quy định kiểm soát mới theo một ngôn ngữ rõ ràng, trong đó có hạn chế tiền thưởng đối với các lãnh đạo công ty.

Lãnh đạo Pháp ca ngợi nỗ lực của Thủ tướng Anh Gordon Brown nhưng chỉ trích chính phủ Obama tuy không phê phán thẳng Tổng thống Mỹ.

Nhật Mai
Tổng hợp