Obama không muốn rơi vào vòng ảnh hưởng của Putin?
Báo Nga và các ấn phẩm nước ngoài tại Nga đã đưa nhiều thông tin về chuyến thăm Moscow của Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến vào tháng 9 tới, cũng như cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin chút nữa đã bị hủy bỏ.
Các mối quan hệ Nga - Mỹ thời gian qua tương đối phức tạp. |
Bình luận về sự kiện này, "Báo Độc lập" (Nga) đặt câu hỏi: Chẳng lẽ ông Obama thực sự tức giận nước Nga và Tổng thống Putin đến mức không muốn tới ? Hay đây chỉ là "màn diễn" đầu tiên trong cả một "vở kịch" nhằm khuếch trương thanh thế để tiện bề "ép" Nga trong Hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại St Petersburg?
Tờ báo nhắc lại rằng trong một số sự kiện quốc tế gần đây nhất, Nga dường như còn bị cáo buộc đã làm tổn hại lợi ích kinh tế của Mỹ. Trong khi nếu xét những vấn đề liên quan đến Syria, thì thậm chí Mỹ còn cần phải cảm ơn Nga vì đã giúp Mỹ kìm chế không thực hiện một số sai lầm chết người trên khắp dải đất Trung Đông rộng lớn.
Đó là chưa kể những nỗ lực của Mỹ nhằm chỉ ra sự bất lực của Moscow, song trên thực tế, chính Mỹ lại đang bất lực khi đã dùng đủ mọi cách mà vẫn không thể dẫn độ về nước cựu nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden đang ẩn trốn tại Nga. Tại sao Mỹ nhất quyết đòi Nga hợp tác dẫn độ Snowden, phải chăng ngoài yếu tố lợi ích quốc gia có thể bị tổn hại liên quan những tiết lộ tiếp theo của "kẻ đào tẩu", thì cũng còn một nguyên do khác không thể không nhắc tới, đó là nhằm hạ uy tín của Nga.
Các mối quan hệ Nga - Mỹ thời gian qua tương đối phức tạp bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và không dễ gì để quy trách nhiệm cụ thể cho một bên nào. |
Bài báo cho rằng không hiểu Nga có quá phóng đại hay không, song dường như Mỹ chưa sẵn sàng cho quan hệ đối tác thực sự với Nga. Có lẽ bởi vậy, họ đang cố tình đẩy vấn đề và làm cho cuộc đối thoại tháng 9 tới với Nga trở nên giật gân hơn. Trong một thế giới hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau, Mỹ vẫn khăng khăng kiên trì luật chơi "tay không bắt giặc", lấy thiệt hại của quốc gia khác làm mối lợi cho mình. Và trong cuộc chơi này, Mỹ cũng không coi Nga là một ngoại lệ.
Bài báo cho rằng có một thực tế: lâu nay Tổng thống Obama và Tổng thống Putin dường như không cùng "nhịp" (sinh học) và điều đó cản trở hai bên hiểu nhau hơn. Và đương nhiên ông Obama không muốn bị chi phối bởi "trường sinh học" mạnh mẽ của ông Putin. Dường như ông Obama thích "giao tiếp" với Tổng thống Putin ở một cự ly xa, để từ "khoảng cách an toàn" này có thể công kích Moscow bằng những lời đề nghị phi thực tế (giống như thách thức hồi tháng 6 trong khuôn khổ chuyến thăm Đức về việc cùng tiếp tục cắt giảm kho vũ khí hạt nhân), hay những lời đề nghị khiếm nhã liên quan vụ Snowden hiện nay.
Bài báo kết luận, thay vì cứ tiếp tục thăm dò nhau như cách mà Mỹ vẫn ứng xử, hai nước Nga và Mỹ cần cởi mở hơn. Mối quan hệ Nga - Mỹ không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của riêng hai nước, mà rất nhiều quốc gia khác cũng phụ thuộc, đồng thời quan tâm diễn tiến mối quan hệ này. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa nguyên thủ hai nước dự kiến diễn ra tháng 9 tới tại St Petersburg đang được trông đợi. Cuộc gặp này có thể đưa vào kỷ luật những kẻ muốn phá hỏng "luật chơi". Nó được trông đợi, cũng như phía Nga luôn sẵn sàng chào đón Tổng thống Obama đến xứ sở bạch dương.
Theo Quế Anh
P/v TTXVN tại Nga
Báo Tin tức