1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Obama đề xuất kế hoạch hòa bình cho Ukraine

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc Nga rút các binh sĩ tại khu vực Crimea ở miền nam Ukraine về căn cứ và thiết lập một sứ mệnh giám sát tại đó, giới chức Mỹ cho biết.

Ông Obama và ông Putin đã có cuộc điện đàm về tình hình Ukraine hôm 1/3.

Ông Obama và ông Putin đã có cuộc điện đàm về tình hình Ukraine hôm 1/3.

Theo giới chức Nhà Trắng, ông Obama đã đề nghị rút các binh sĩ Nga ở Crimea về các căn cứ thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga trên bán đảo.

Kế hoạch cũng kêu gọi điều một nhóm quan sát viên quốc tế tới Ukraine để đảm bảo rằng quyền lợi của người gốc Nga được bảo vệ.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về kế hoạch trên trong cuộc điện đàm giữa họ hôm 1/3. Đề xuất cũng được bàn luận chi tiết trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 4/3.

Điện Kremlin cho tới nay chưa có bình luận công khai gì về đề xuất của Mỹ.

Thông tin trên diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov dự kiến gặp nhau tại Paris, Pháp vào hôm nay 5/3.

Cả hai bên đều cho biết họ mong muốn khởi động một cuộc đàm phán để làm dịu bớt những căng thẳng đang leo thang, và cuộc gặp tại Pháp sẽ cho họ cơ hội để cố gắng thử làm điều đó.

Mátxcơva đã tăng cường ảnh hưởng tại Crimea sau khi các binh sĩ được cho là người Nga hoặc thân nga bắt đầu kiểm soát các địa điểm chiến lược trên bán đảo hôm 1/3.

Các binh sĩ đang bao vây các căn cứ quân sự Ukraine và các địa điểm khác, trong khi 2 tàu chiến Ukraine được cho là đã bị một tàu Nga chặn tại cảng Sevastopol.

Truyền hình Ukraine đưa tin vào tối 4/3 rằng các tay súng có vũ trang đã cố gắng kiểm soát một căn cứ tên lửa phòng không ở Yevpatoria, trên bờ biển phía bắc Sevastopol.

Kiev và phương Tây đã cáo buộc Nga đang âm mưu "xâm lược quân sự" Crimea, nơi phần lớn dân số nói tiếng Nga.

Tổng thống Obama "tố" Nga "tìm cách gia tăng ảnh hưởng đối với quốc gia láng giềng bằng vũ lực. Điều đó không phù hợp luật pháp quốc tế".

Nhưng trong cuộc họp báo kéo dài ngày 4/3, Tổng thống Putin đã bác tin các binh sĩ có vũ trang tại Crimea là người Nga. Ông nói rằng họ là lực lượng tự vệ địa phương trung thành với Mátxcơva, đang bảo vệ các căn cứ khỏi "những kẻ dân tộc chủ nghĩa" và "bài Do Thái".

Ông Putin cũng nói rằng Nga bảo lưu quyền hành động để bảo vệ các công dân Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Mỹ đề nghị cho Ukraine vay 1 tỷ USD

Ông Obama và ông Putin đã có cuộc điện đàm về tình hình Ukraine hôm 1/3.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đặt hoa tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở Kiev ngày 4/3.
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 4/3 đã có chuyến thăm Kiev, trong đó ông cam kết cho chính quyền mới của Ukraine vay 1 tỷ USD.

Cùng với khoản vay trên, Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho ngân hàng trung ương và bộ tài chính Ukraine, ông Kerry cho biết thêm.

Nền kinh tế Ukraine đang đứng trên bờ vực phá sản khi nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán hết sức nghiêm trọng.

Tổng thống Mỹ ngày 4/3 cho biết sau khi đề xuất ngân sách năm 2015 của Mỹ rằng gói viện trợ mà ông Kerry đưa ra sẽ "giúp ổn định nền kinh tế Ukraine, giúp đảm bảo rằng các cuộc bầu cử công bằng và tự do sẽ diễn ra hợp và kết quả cuộc bầu cử sẽ giúp làm giảm cuộc khủng hoảng".

Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng đang cân nhắc giúp Ukraine trả 2 tỷ USD mà Kiev nợ của Nga tiền khí đốt, Ủy viên phụ trách năng lượng của EU Guenther Oettinger ngày 4/3 cho biết.

An Bình
Theo BBC, RIA