1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nước nào có điều kiện sống tốt nhất thế giới?

(Dân trí) - Na Uy chiếm vị trí số một trong bảng xếp hạng hàng năm về Chỉ số phát triển con người của LHQ vừa được công bố ngày hôm qua, trong khi Trung Quốc đạt được bước tiến lớn nhất trong việc cải thiện cuộc sống của người dân.

Nước nào có điều kiện sống tốt nhất thế giới? - 1
Bà Helen Clark (phải), người đứng đầu Chương trình phát triển LHQ, tham dự lễ công bố Báo cáo phát triển con người 2009 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 5/10.
 
Chỉ số được Chương trình phát triển LHQ (UNDP) đưa ra, xếp hạng 182 nước, dựa trên những tiêu chí như tuổi thọ, tỉ lệ biết chữ, tỉ lệ tới trường, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người.

 

Na Uy, Australia và Iceland chiếm các vị trí dẫn đầu, trong khi Niger ở vị trí cuối cùng, bên dưới Afghanistan.

 

Trong khi đó, Trung Quốc tiến 7 bậc trong bảng xếp hạng, là đất nước phát triển thứ 92, do cải thiện đáng kể về giáo dục, thu nhập, cũng như tuổi thọ.

 

Colombia cùng Peru tăng 5 bậc, xếp thứ 77 và 78 trong khi Pháp, chưa từng lọt vào top 10 trong vòng 10 năm qua, đã trở lại nhóm đầu bảng này khi tăng lên ba bậc, lên vị trí số 8.

 

UNDP còn cho biết chỉ số cho thấy rõ khoảng cách lớn giữa các nước giàu và các nước nghèo.

 

Theo bảng xếp hạng của UNDP, năm nay Việt Nam tụt xuống một hạng, xếp ở vị trí 116.

Một đứa trẻ sinh ra ở Niger có thể sống chỉ quá 50 tuổi, ít hơn một đứa trẻ ở Na Uy tới 30 tuổi. Mỗi một đô la một người ở Niger kiếm được bằng 85 đô la kiếm được ở Na Uy.

 

Chỉ số năm nay dựa vào dữ liệu từ năm 2007, không tính đến sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

 

“Nhiều nước đã bị tụt lùi trong các thập kỷ gần đây, do kinh tế suy thoái, các cuộc khủng hoảng, đại dịch HIV và AIDS”, tác giả của báo cáo Jeni Klugman cho biết. “Điều này được cảm thấy ngay cả trước khi có tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

 

Afghanistan, nước trở lại bảng xếp hạng lần đầu tiên kể từ năm 1995, là nước châu Á duy nhất nằm ở top 10 cuối cùng. Top 10 cuối bảng gồm Sierra Leone, đứng thứ 180, bên dưới Cộng hoà Trung Phi.

 

10 nước đứng đầu bảng xếp hạng lần lượt là: Na Uy, Australia, Iceland, Canada, Ireland, Hà Lan, Thuỵ Điển, Pháp, Thuỵ Sỹ và Nhật Bản.

 

Mỹ xếp thứ 13, tụt một bậc so với năm ngoái.

 

Phan Anh

Tổng hợp