Nước Mỹ âm ỉ mâu thuẫn sắc tộc
Những ngày qua, thành phố yên bình Charlottesville, bang Virginia, Mỹ bất ngờ trở thành “điểm nóng” khi một cuộc tuần hành ở đây đã biến thành thảm kịch đâm xe và đụng độ khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Ðây là thảm kịch tồi tệ nhất do mâu thuẫn sắc tộc ở Mỹ trong những năm gần đây và đặt ra yêu cầu cấp bách cho chính quyền Mỹ cần tìm giải pháp để đoàn kết dân tộc và đưa tất cả người Mỹ xích lại gần nhau hơn.
Tuần hành biến thành bạo lực
Bạo động đã nổ ra vào ngày 12/8 trong cuộc tuần hành mang tên "Ðoàn kết phe Cánh hữu" ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, của hàng ngàn người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan da trắng cùng các nhóm ủng hộ cánh hữu ở Mỹ. Tuy nhiên, cuộc tuần hành đã nhanh chóng trở thành bạo lực do vấp phải sự phản đối từ những nhóm ủng hộ quyền lợi cho người da đen và chống phân biệt chủng tộc.
Theo các nhân chứng, không khí xung quanh cuộc tuần hành nồng nặc mùi hơi cay. Căng thẳng đặc biệt gia tăng sau khi một chiếc xe ô tô lao thẳng vào đám đông tụ tập trên một con phố cách công viên khoảng 2 khu nhà. Ước tính đã có 3 người thiệt mạng liên quan đến vụ bạo động và hàng chục người bị thương.
Ngay sau đó, Thống đốc bang Virginia, Terry McAuliffe đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Ông đã chỉ đạo giới chức an ninh công cộng bang Virginia phải hành động nhanh chóng và quyết đoán nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Cũng ngay sau vụ đụng độ trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích vụ việc mà theo ông là “biểu hiện thái quá của thù hận, mù quáng và bạo lực từ nhiều phía”. Tuy nhiên, những phát ngôn này của Tổng thống Trump đã hứng chịu nhiều chỉ trích mạnh mẽ khi dư luận cho rằng, ông Trump đã không đưa ra tuyên bố phản đối bạo lực liên quan đến phân biệt chủng tộc ngay lập tức mà chỉ lên án vụ việc.
Nhiều người dân Mỹ đã không dấu nổi sự bất bình và cho rằng, Tổng thống Trump đã mất đi cơ hội thể hiện là người lãnh đạo thực sự, người có thể hàn gắn một xã hội Mỹ đang rạn nứt sâu sắc. Nhiều nghị sĩ Mỹ trong đó có Thượng Nghị sĩ Marco Rubio và Ted Cruz trong tuyên bố đăng tải trên trang Twitter cá nhân, đã nói rằng, ông Donald Trump cần gọi đích danh cái ác. Ðó là những “Người da trắng thượng đẳng” và hành động của họ là sự khủng bố bên trong nước Mỹ.
Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ HR McMaster còn đi xa hơn khi bình luận rằng, bất cứ khi nào một ai đó thực hiện vụ tấn công nhằm vào con người để kích động sự sợ hãi đều được gọi là khủng bố. Vụ bạo lực ở Charlottesville là “một hành động tội ác chống lại người Mỹ”.
Trong khi đó, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cũng lên án vụ bạo động tại Charlottesville, coi đây là “một hành động của chủ nghĩa khủng bố trong nước”. Theo ông Bill de Blasio, phong trào ủng hộ “Người da trắng thượng đẳng” là mối đe dọa đối với nước Mỹ, trong đó có các nhân viên thực thi pháp luật.
Trước sức ép từ dư luận Mỹ cũng như các nghị sỹ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, ngày 14-8, Nhà Trắng đã phải có lời đính chính lại, theo đó lên án chủ nghĩa suy tôn da trắng và chủ nghĩa phát xít mới. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án chủ nghĩa đề cao người da trắng, trong đó có cả chủ nghĩa phát xít mới, chủ nghĩa dân tộc suy tôn da trắng, bài trừ nhập cư.
Không chỉ khẳng định, chủ nghĩa suy tôn da trắng, thù hận và phân biệt chủng tộc không có chỗ đứng tại nước Mỹ, ông Trump cũng nhấn mạnh sẽ khôi phục luật pháp và trật tự xã hội, kêu gọi đoàn kết dân tộc và đưa tất cả người Mỹ xích lại gần nhau.
Nhiều người bị thương khi chiếc xe Dodge do James Alex Fields Jr., một thanh niên da trắng, lái đâm vào đám đông. (Ảnh: The Daily Progress)
Xung đột sắc tộc vẫn âm ỉ
Theo giới phân tích, sự việc xảy ra tại Virginia là kết quả phát sinh từ những mâu thuẫn âm ỉ từ lâu trong lòng nước Mỹ và nay có điều kiện bùng phát thành hành động bạo lực. Ðiều này cảnh báo cho một viễn cảnh nước Mỹ sẽ không bình yên.
Cách đây hơn 150 năm, ngày 22-9-1862, Tổng thống Abraham Lincoln đã đưa ra Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ và đến ngày 18-12-1865, Hiến pháp của nước Mỹ được tu chỉnh lần thứ 13, qua đó xóa sạch chế độ nô lệ trên toàn nước Mỹ. Nhờ xoá bỏ chế độ nô lệ mà Tổng thống A.Lincoln đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của nước Mỹ, là một trong những vĩ nhân của nhân loại.
Hơn 100 năm sau, ngày 4-4-1968, Mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, đã ngã xuống vì sự nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc qua đấu tranh bất bạo động. Nhờ nỗ lực xoá bỏ sự kỳ thị chủng tộc mà Mục sư L.King đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng như của phong trào bất bạo động trên toàn thế giới.
Cả Tổng thống A.Lincoln và Mục sư L.King đều phải đánh đổi tính mạng cho một nước Mỹ hoà bình, không phân biệt đẳng cấp và sự bình đẳng giữa các màu da trong cộng đồng người dân Mỹ. Sự bình đẳng giữa các màu da trong cộng đồng người Mỹ còn như được khẳng định rõ ràng hơn nữa, khi ứng viên Barak Obama được cử tri Mỹ bầu chọn đề trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Song dường như đó chỉ là biểu hiện bề nổi của nước Mỹ, của xã hội Mỹ, còn trong lòng nước Mỹ có lẽ sự ngăn cách, chia rẽ vẫn luôn tồn tại. Và cuộc bạo động vừa xảy ra ở Virginia đã cho thấy rõ điều này.
Thực tế, Charlottesville là điểm nóng nhiều năm nay phản ánh mâu thuẫn giữa các nhóm sắc tộc ở Mỹ. Các phong trào cực hữu ủng hộ da trắng và phân biệt chủng tộc đã hồi sinh mạnh mẽ trở lại, nhất là kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11-2016.
Nguyên nhân của cuộc đụng độ giữa các nhóm ủng hộ người da trắng và phát xít mới với các nhóm chống phân biệt chủng tộc lần này xảy ra là do những quyết định của thành phố Charlottesville liên quan đến việc việc phá bỏ tượng đài tướng Robert E. Lee, người đã lãnh đạo Liên minh miền Nam (nhóm thất bại trong cuộc nội chiến Mỹ giai đoạn 1861-1865).
Những người biểu tình phản đối cuộc tuần hành "Đoàn kết phe cánh hữu" (Unite the Right) mang theo biểu ngữ chống lại tư tưởng coi da trắng là chủng tộc thượng đẳng. (Ảnh: Reuters)
Những người muốn bảo vệ tượng đài cho rằng, Ðại tướng Lee là một anh hùng bởi ông đã quyết định đầu hàng để chấm dứt cảnh nội chiến cũng như thúc đẩy hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên những người phản đối lại cho rằng, hình ảnh tướng Lee không hề mang tính biểu tượng cho hòa bình hay hòa hợp dân tộc, mà là dấu vết của một phong trào, tư tưởng của chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng” mà tướng Lee từng dẫn dắt, qua đó coi người da màu chỉ là nô lệ.
Những tranh cãi về tượng đài tướng Lee ở thành phố Charlottesville bắt đầu nổi lên từ năm 2012, khi ủy viên Hội đồng thành phố Kristin Szakos đưa ra gợi ý về việc phá bỏ nó. Năm 2016, Wes Bellamy, ủy viên Hội đồng thành phố Charlottesville và một phó thị trưởng thành phố đã phát động chiến dịch mới bằng cách yêu cầu thành lập ủy ban thảo luận về vấn đề này. Kết quả là Hội đồng thành phố đã bỏ phiếu nhất trí di chuyển tượng đài Tướng Lee ra khỏi công viên trung tâm.
Tuy nhiên quyết định này đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của những người ủng hộ chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng”. Trong lúc chờ tòa án xử lý đơn kiện, bức tượng vẫn nằm nguyên vị trí nhưng chính quyền thành phố đã đổi tên Công viên Lee thành Công viên Giải phóng.
Và vụ việc tại thành phố Charlottesville lần này đã cho thấy, trong cuộc sống thanh bình, thịnh vượng của Mỹ vẫn âm ỉ cuộc xung đột gay gắt giữa các sắc tộc, chỉ cần có có hội là bùng phát lên thành biến cố lớn. Ðiều này đòi hỏi chính quyền Mỹ cần có những chính sách và hành động quyết liệt để dẹp bỏ những mâu thuẫn vốn có giữa các nhóm sắc tộc.
Theo Trọng Ðức - Gia Phúc
Pháp luật Việt Nam