Nước mắt những người mẹ Nga Ngày Tưởng niệm...
(Dân trí) - 22/6/2011, một ngày nắng đẹp, bầu trời ngoại ô Mátxcơva trong xanh điểm xuyết những đám mây trắng xốp lững lờ trôi. Có 2 bà mẹ Nga mắt rớm lệ, ngồi lặng thinh hàng giờ bên tượng đài ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc Liên Xô vĩ đại…
Hai bà mẹ Nga bên bảng ghi danh các liệt sĩ
Tấm lòng Mẹ
Chứng kiến nỗi buồn lặng câm của những người mẹ Nga, trong tim tôi trào lên niềm đau xót khó diễn tả bởi tôi cũng là một cựu chiến binh đến từ đất nước Việt Nam xa xôi và đã ở lại đất nước Nga này mấy chục năm qua…
Nhớ về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc Liên Xô trong những năm tháng chiến tranh chống quân phát xít Đức xâm lược cách đây 70 năm (22/6/1941-22/6/2011), tôi cũng chia sẻ sự nghẹn ngào trong giờ phút tưởng niệm thiêng liêng cùng hai bà mẹ Nga đáng kính. Lặng lẽ ngắm nhìn từ phía xa, lòng tôi chùng xuống trước dáng ngồi đầy vẻ cam chịu, chỉ có hai mái tóc ngả màu sương khói như vẫn cố sáng lên trong ánh nắng chiều hiu hắt.
Đầu kia là tượng đài người Mẹ Nga và Đứa Con với dáng vẻ khiến chúng ta phải suy tư, liên tưởng… Dưới chân tượng đài là cả một thảm hoa và nến tỏa ánh sáng lung linh. Này những vòng hoa kính viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ, kia là những bông hoa cẩm chướng đỏ rực màu chiến thắng. Ngọn lửa vô danh bập bùng giữa ngôi sao khảm bằng đá quí. Cạnh đấy là 2 chiến sĩ vệ binh nghiêm trang như canh cho giấc ngủ của các anh hùng liệt sĩ được mãi mãi yên bình…
Tiếng cô phát thanh viên từ loa phóng thanh đều đều, thành kính đọc tên những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh (cứ cách 30 phút cô lại đọc lại một lần, xen giữa những bản nhạc hào hùng thời chiến tranh vệ quốc).
Tên tuổi của các anh hùng được tạc vào những tấm bảng đồng, gắn theo dãy cột dọc bao quanh khu tượng đài theo hình vòng cung. Quả là một khu tượng đài rất ấn tượng, mới được xây dựng cách đây 5 năm.
Vẫn mãi chờ mong
Tuổi thơ trong trắng như búp non trên cành. Ở đất nước mà mùa đông băng giá thường kéo khá dài, còn mùa hè ấm áp rất ngắn ngủi này thì có lẽ với các bé thơ chuyện được vui chơi thỏa thích bên cha mẹ, ông bà trong một buổi chiều hè đẹp như vậy quả là vô cùng sung sướng!
Ôi các bé thơ ơi! Có lẽ phải lớn thêm chút nữa, các bé mới biết được rằng bao anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc Liên Xô vĩ đại, để các cháu thơ ngây và đôi bạn trẻ kia được bình yên như hôm nay.
22/6 là ngày mà trên toàn thể lãnh thổ nước Nga và các nước SNG thuộc Liên Xô cũ đều long trọng kỉ niệm Ngày Tưởng niệm và Đau buồn, tổ chức hoạt động ngày: “Phiên gác Danh dự Tưởng niệm của tôi”. Khắp nơi bên các tượng đài đều được phủ đầy hoa và nến, cùng những chiếc chuông nhỏ treo trên cành cây để tỏ dấu hiệu tưởng nhớ những người đã khuất.
Đôi bạn trẻ tâm sự bên đài phun nước
70 năm đã trôi qua, vết thương chiến tranh khủng khiếp mà bọn phát xít Hítle gây ra cho nhân dân Liên Xô và toàn thế giới đã lành, nhưng những vết thương trong lòng người vẫn chưa thể liền sẹo bởi nỗi đau như vẫn còn lẩn khuất đâu đó…
Và hôm nay, khi lặng người trước hai bà mẹ Nga, tôi chỉ ước mong sao có thể giúp lau khô được những giọt nước mắt của những người mẹ suốt đời vẫn đợi chờ chồng mình, con mình, người thân của mình trở về như lời hẹn ước qua bài thơ nổi tiếng Đợi anh về của Konstantin Simonov:
Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
Em ơi em cứ đợi…
Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)