Nước Anh không bình yên
Thành phố Manchester thanh bình, vốn được cả thế giới biết đến nhờ hai câu lạc bộ bóng đá lừng danh, bỗng chốc trở nên nổi tiếng bởi sự kiện bi thảm diễn ra tối 22-5.
Một sân vận động nơi thường diễn ra các sự kiện thể thao sôi nổi hào hứng, một buổi hòa nhạc nơi mang đến cho con người niềm vui sống, bỗng chốc biến thành hiện trường của một cuộc tấn công khủng bố đẫm máu.
Chủ nghĩa khủng bố luôn đưa ra các lý do để biện minh cho những hành vi tội ác, nhưng nhằm vào dân thường, giết hại trẻ em thì không một lời biện minh nào có thể gột sạch được máu của những người vô tội.
Nhìn lại quá khứ, 12 năm đã trôi qua kể từ vụ đánh bom liên hoàn hồi tháng 7-2005 trên các phương tiện giao thông công cộng giờ cao điểm buổi sáng ở thủ đô London làm 52 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương, khiến nó trở thành vụ khủng bố lớn nhất ở Anh kể từ năm 1988.
4 năm trước đây, ngày 22-5-2013, binh sĩ người Anh Fusilier Lee Rigby bị hai người Hồi giáo tấn công bằng dao và thiệt mạng tại London. Cũng cần phải lưu ý một điều là vụ tấn công vừa qua ở Manchester trùng đúng với ngày hai kẻ Hồi giáo tấn công binh sĩ người Anh Fusilier Lee Rigby bằng dao ở London 4 năm trước. Những kẻ khủng bố thường rất để tâm đến ngày giờ và khi động lực của chúng thường nấp dưới chiêu bài “trả thù” thì sự trùng hợp là điều rất đáng phải lưu tâm.
Kể từ vụ tấn công binh sĩ người Anh Fusilier Lee Rigby đến nay, các cơ quan đặc biệt Anh cho biết, nước Anh đã phải đối mặt với ít nhất 13 âm mưu khủng bố nghiêm trọng. Gần nhất, ngày 22-3-2017, một kẻ khủng bố đã dùng xe đâm vào những người đi bộ trên cầu Westminster ở London và tấn công cảnh sát khiến 5 người chết, bao gồm cả nghi phạm.
Vụ tấn công cầu Westminster cho thấy những kẻ khủng bố ở Anh đã nhanh chóng cập nhật phương thức của những kẻ khủng bố tại Pháp khi sử dụng các phương tiện giao thông bình thường làm vũ khí tấn công hủy diệt.
Nước Anh đã không còn bình yên nữa
Nhiều thế kỷ trước, một người Anh là nhà thơ John Donne từng viết rằng: “Mỗi cái chết đều làm tôi hao hụt, vì tôi là một phần của loài người. Xin đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đó”; điều này thật đúng với nước Anh của thời hiện tại. Cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn nửa thập kỷ qua ở Syria hay những cuộc giao tranh ở đất nước Iraq xa xôi vẫn ảnh hưởng tới nước Anh ở châu Âu theo một cách nào đó.
Số liệu của các cơ quan đặc biệt Anh cho biết, hơn 850 công dân Anh đã lên đường tới Syria và Iraq để tham gia các cuộc “thánh chiến” dưới ngọn cờ IS. Khoảng một nửa trong số đó đã quay trở lại Anh. Đó chính là những “quả bom nổ chậm” đe dọa nước Anh. Danh sách các nhân vật nằm trong diện theo dõi của cơ quan an ninh Anh lên tới hơn 3.000 người và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng thêm sau vụ nổ bom ở Manchestervừa qua.
Nhưng đó không phải là hiểm họa duy nhất. Điều oái oăm là cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, nước Anh giờ đây dễ bị tổn thương hơn bởi cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể là chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã mang lại những hệ lụy không ngờ. Các biện pháp thắt chặt kiểm soát biên giới, ngăn chặn những kẻ bị “cực đoan hóa” hay có thiện cảm với IS tìm đến chiến trường Syria để chiến đấu dưới ngọn cờ IS, khiến chúng không thể đạt được mục đích và buộc phải ở lại nước sở tại.
Cả IS lẫn Al-Qaeda nhân dịp này đã lên tiếng kêu gọi những kẻ “hành hương khủng bố” bị vỡ mộng đó hãy ở lại đất nước của chúng và tự thực hiện các cuộc tấn công. Vậy là tại Anh cũng như các quốc gia châu Âu bỗng chốc xuất hiện nguy cơ khủng bố tiềm tàng, từ những kẻ không tới được Syria, sẵn sàng tiến hành các vụ tấn công kiểu “sói đơn độc” hoặc có tổ chức.
Chưa thể xác định liệu kẻ tấn công bom liều chết 22 tuổi người Libya, Salman Abedi thực hiện vụ tấn công ở Manchester tối 22-5 vừa qua là do IS giật dây (như cái cách mà tổ chức khủng bố này thường xuyên lên tiếng nhận trách nhiệm đối với các vụ việc tương tự), hay y là một trong những kẻ “hành hương khủng bố” bị vỡ mộng và đã thực hiện vụ tấn công theo lời kêu gọi “thánh chiến” ở ngay đất nước chúng đang sinh sống. Tuy nhiên, nguy cơ khủng bố nội sinh trong lòng nước Anh đã hiển hiện rõ hơn bao giờ hết.
Vụ tấn công ở nhà thi đấu thành phố Manchester không chỉ đơn thuần gây ra những thương vong nghiêm trọng cho nước Anh. Nó xảy ra trong một thời điểm vô cùng nhạy cảm của nước Anh và châu Âu nên chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy về mặt địa chính trị đối với cả hai phía.
Với nước Anh đang trước thềm của cuộc bầu cử Quốc hội đầu tháng 6 tới để tạo lập cho Thủ tướng Anh Theresa May một vị thế vững chắc trong tiến trình đàm phán cam go với EU về quá trình Brexit, vụ tấn công đẫm máu không thể không có tác động đến bầu không khí chính trị cũng như thái độ của cử tri trước cuộc bầu cử.
Không phải vô cớ mà ngay sau khi vụ tấn công diễn ra, cả Đảng Bảo thủ đang cầm quyền của bà Theresa May lẫn các đảng đối lập lớn tại Anh đều đồng ý ngừng các cuộc vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tới. Trong thời điểm bi kịch, nước Anh cần một hình ảnh đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố hơn là những tranh cãi hay hứa hẹn giành giật cử tri.
Nhưng vụ tấn công ở Manchestercòn đặt ra một câu hỏi cực kỳ nghiêm túc về tình trạng an ninh nội địa nhiều rủi ro của nước Anh và cả của EU. Không ai quên một nội dung gây tranh cãi trong lá thư mà Thủ tướng Anh Theresa May gửi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu hồi cuối tháng 3 vừa qua để kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, chính thức khởi động quá trình Anh rời khỏi EU. Nội dung này đưa ra lời cảnh báo với EU rằng, nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận êm đẹp cho Brexit thì rất có thể Anh sẽ không bảo đảm về mặt an ninh, tình báo cho EU!
Nói cách khác, cuộc chiến chống khủng bố ở châu Âu sẽ mất đi nhiều lợi thế nếu Brexit diễn ra không suôn sẻ! Có nghĩa là tình trạng an ninh của cả hai phía, Anh và EU, sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực nếu hai bên không có những nhượng bộ nhất định và trong trường hợp này, chỉ có các tổ chức khủng bố được hưởng lợi. Vụ tấn công ở Manchesterlà lời nhắc nhở về hồi chuông nguyện hồn mà nhà thơ John Donne đã gióng lên từ mấy trăm năm trước!
Theo Văn Yên
Quân đội nhân dân