1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nữ thánh sống Nepal trong cuộc sống hiện đại

(Dân trí) - Vào một tối mùa thu lạnh giá, trong lễ cảm tạ mùa mưa, hàng chục tín đồ miệng lầm rầm tụng kinh kéo chiếc xe gỗ lớn chở “Trinh nữ” dọc qua các con phố chật hẹp trong thành cổ Katmandu. Hàng ngàn người cổ vũ ùa lên phía trước, mong được ban phước lành.

Những người đàn ông trong men say nhảy múa xung quanh “Trinh nữ”, tay gõ trống miệng la hét.

 

Nhưng thánh sống, một đứa trẻ được bọc trong tấm áo lụa đỏ, với con mắt thứ ba vẽ trên trán như dấu hiệu của sự khai sáng, chẳng buồn chú ý nhiều đến đám đông vui mừng xung quanh. Thay vào đó, cô bé nhìn chằm chằm về phía trước, miệng phùng lên giận dữ. Và cuối cùng cô bé thổi ra một quả bóng kẹo cao su màu vàng, to bằng quả mận.

 

Rồi nữ thánh sống mỉm cười, song chỉ trong chốc lát.

 

Priti Shakya 10 tuổi, là con gái của một gia đình thợ kim hoàn nghèo khó. Năm 4 tuổi, một hội đồng đánh giá đã tiến hành kiểm tra cô bé trong hàng loạt nghi lễ cổ xưa, kiểm tra sao chiếu mệnh của cô bé, tìm kiếm những khiếm khuyết về cơ thể và cuối cùng là thử xem cô bé có sợ hãi khi bị bỏ lại qua đêm trong một căn phòng với 108 chiếc đầu thú  mới được cắt. Nhưng cô bé không sợ.

 

Vì vậy, Priti được trở thành nữ thánh, được thờ phụng như là hiện thân của nữ thần Taleju quyền lực của đạo Hindu, và sẽ phải sống gần như cách ly trong một ngôi đền cổ ở Katmandu.

 

Priti sẽ được trở về nhà khi bắt đầu có kinh nguyệt. Lúc đó sẽ có một nữ thánh khác được chọn. Và Priti bị đẩy lại cuộc sống bình thường một cách dứt khoát và đột ngột, thể như sẽ không hề có chuyện gì xảy ra với cô bé vậy.

 

Song đó là cách “hành xử” từ nhiều thế kỷ nay, một truyền thống vẫn còn được lưu giữ bất chấp cuộc sống hiện đại đang dần len lỏi vào cuộc sống của Nepal, của nữ thánh.

 

Cô bé còn bị kéo vào cơn bão chính trị ở Nepal, đề tài về cô bé được tất cả mọi người từ chiến binh đến thủ tướng tham gia. Trong khi đó, vai trò của cô bé đã trở thành một chủ đề của công chúng, với những luật sư bảo vệ nhân quyền, các chính trị gia, các học giả tranh cãi nảy lửa về quyền trẻ em, về hình thức thờ cúng cổ xưa.

 

Một chính trị gia Nepal đã gọi cô bé là “biểu tượng của quỷ dữ” và Toà án Tối cao tiến hành một cuộc điều tra sau khi các nhà hoạt động cho rằng truyền thống thờ nữ thánh đã vi phạm luật pháp Nepal.

 

Trong một sự kiện liên quan đến cả tôn giáo, chính trị và cả nhà vua, chính phủ dân chủ mới thành lập của Nepal đã từ chối cho phép Vua Gyanendra nhận phước lành hàng năm cả nữ thánh, thường được cho là hộ mệnh cho nhà vua. Khi Nhà vua chống lại quyết định, chính phủ đã đánh, ngăn cản một số lính bảo vệ của hoàng gia.

 

Nhìn lại chỉ vài thập kỷ trước, không ai có thể tưởng tượng được lại có những chỉ trích, tranh luận như hiện nay. Khi đó Nepal mới được “khai sinh” sau nhiều thế kỷ nằm cách biệt trong dãy Himalya. Đó là một đất nước bao bọc trong những truyền thống phong kiến, một đất nước trao visa cho khách du lịch một cách vô cùng miễn cưỡng, một đất nước ít ai có thể tưởng tượng được Vua lại không có toàn quyền.

  

Ngày nay, Nepal là nước theo chế độ dân chủ, mặc dù nền dân chủ ấy còn rất mong manh, nhưng làn gió thay đổi thậm chí còn đang thổi đến nơi ở của “Trinh nữ”. Một số thay đổi mang tính chất chính trị, một số mang tính chất cá nhân.

 

Ví dụ như, giáo viên được chỉ định phải làm sao cho “Nữ thánh sống” theo học đủ kiến thức như bao bé gái khác cùng tuổi. Và còn có cả TV trong đền của “Trinh nữ”, cho phép “Trinh nữ” có thể tiếp cận với mọi thứ từ phim Boollywood cho đến tin tức. Và cũng đã có tin một ngày nào đó “Trinh nữ” thậm chí sẽ được sống tại gia đình mình.

 

Đó là những cố gắng nhằm cho Nữ thánh những thứ bình thường của cuộc sống, để Nữ thánh không bị ngỡ ngàng khi trở lại thế giới bên ngoài.

 

Rashmila Shakya, một trong 8 cựu “Trinh nữ” của hoàng gia vẫn còn sống, không quên được nỗi đau trong hành trình trở lại cuộc sống bình thường. Shakya rời ngôi đền “Trinh nữ” năm 12 tuổi và giờ đã là một chuyên viên máy tính 25 tuổi. Trước đó Shakya không được học hành cẩn thận, và đôi chân của cô bé cũng chưa từng chạm xuống mặt đất ở thế giới bên ngoài suốt nhiều năm. Những người bạn chơi duy nhất của cô bé chỉ là bọn trẻ của người trông nom ngôi đền. Thỉnh thoảng gia đình có thể đến thăm, nhưng họ chỉ được nhìn cô bé dưới tư cách là một nữ thánh mà thôi. Chính vì vậy mà cuộc sống trở về nhà của cô bé vô cùng khó khăn.

 

“Tôi thậm chí còn không biết đi dạo như một người bình thường như thế nào”, Shakya tâm sự. Cô gái trẻ sách vở, ít nói này mơ ước trở thành kỹ sư thiết kế phần mềm. “Đám đông làm tôi sợ hãi”.

 

Tuy nhiên, Shakya vẫn không thấy hối tiếc với thời gian sống ở đền “Trinh nữ”. “Không phải ai cũng được trở thành nữ thánh”, cô gái mỉm cười. “Trong một cuộc đời, tôi có hai cuộc sống”.

 

Phan Anh

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm