1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nồng ấm quan hệ Nga - Trung

Vượt lên trên khuôn khổ một cuộc thăm viếng cấp cao song phương thông thường, chuyến thăm 4 ngày tới nước Nga của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào còn mang dáng dấp của một cuộc hội ngộ giữa hai đối tác bạn bè là những cường quốc hàng đầu thế giới.

Chuyến thăm đến nước Nga lần thứ hai của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của (Trung Quốc) TQ đã được hâm nóng bằng những đánh giá đầy khích lệ về quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga.

 

Phát biểu khi lên đường tới Moscow, ông Hồ Cẩm Đào nhận xét rằng quan hệ giữa TQ và Nga đã bước sang “giai đoạn phát triển toàn diện mới”. Trên nền tảng đó, chuyến thăm sẽ nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa TQ và Nga, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau trong tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quân sự đến kinh tế - thương mại, năng lượng, khoa học - kỹ thuật...

 

Nói cách khác, chuyến thăm nước Nga lần này của ông Hồ Cẩm Đào sẽ giúp làm sâu sắc và toàn diện hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia láng giềng này.

 

Nhìn vào mối quan hệ Nga - Trung hiện nay có thể hiểu vì sao ông Hồ Cẩm Đào lại đặt kỳ vọng đến vậy vào việc mở ra một tương lai xán lạn của quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia. Sau khi cơ bản giải quyết được những khúc mắc trong vấn đề biên giới lãnh thổ, quan hệ Nga - Trung đã phát triển thuận lợi trên mọi lĩnh vực. Hai nước hầu như không gặp phải trở ngại lớn nào trong các vấn đề chính trị.

 

Về kinh tế, sau khi kim ngạch thương mại song phương đạt được mức kỷ lục 20 tỉ USD năm 2004, trao đổi buôn bán Nga - Trung tiếp tục có bước nhảy vọt trong 4 tháng đầu năm nay, tăng đến 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt doanh số 7,8 tỉ USD.

 

Từ mức tăng trưởng đầy khích lệ này cũng như tiềm năng còn rất lớn của cả TQ và Nga trong hợp tác kinh tế, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hào hứng tuyên bố hai nước phải hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch buôn bán song phương lên 60-80 tỉ USD vào năm 2010. Cùng với kinh tế, TQ còn là bạn hàng vũ khí lớn nhất của Nga với giá trị mua bán lên tới hàng tỉ USD mỗi năm.

 

Không phải ngẫu nhiên mà hai nước Nga - Trung có được những mối hợp tác tốt đẹp trên đây. Đó chính là kết quả sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại trong thời gian qua của cả hai quốc gia. Do ưu tiên bức bách của phát triển kinh tế, hai nước Nga và TQ đều hướng trọng tâm chính sách đối ngoại của mình sang phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

 

Dù kết quả thu được từ chính sách này có không giống nhau song cả Nga và TQ đều nhận thấy rằng, Mỹ và phương Tây vẫn coi họ là đối thủ hơn là đối tác. Điều này thể hiện càng rõ trong thời gian gần đây. Liên tiếp buộc nước Nga phải lùi bước trong chiến lược “Đông tiến” của NATO và Liên minh châu Âu (EU), Mỹ mới đây đã trực diện đặt mục tiêu phải mang lại tự do, dân chủ cho không gian chính trị Liên Xô trước đây.

 

Những “vùng đệm” của nước Nga ở Đông Âu, Trung Á đang dần bị bóc đi bằng các cuộc “cách mạng màu sắc”. Trong khi đó, TQ cũng bắt đầu cảm nhận thấy sức ép từ Washington tìm mọi cách để ngăn chặn sự trỗi dậy của sức mạnh TQ đang ngày càng đè nặng.

 

Cùng chống chọi lại sức ép chung thì việc Nga và TQ có nhu cầu xích lại gần nhau là điều gì đó hoàn toàn tự nhiên. Rõ ràng việc hai nước sát cánh bên nhau sẽ giúp nhau cùng đối phó dễ dàng hơn trước cách hành xử như một siêu cường số một trên hành tinh của Mỹ, thể hiện qua vô số vấn đề lớn bé trong đời sống quốc tế thời gian qua, điển hình là cuộc chiến tranh Iraq.

 

Vì thế, chẳng có gì là bất thường và phi logic khi nhân chuyến thăm song phương, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lại cùng đặt bút ký vào Tuyên bố chung Nga - Trung về trật tự quốc tế trong thế kỷ 21. Tuyên bố chung khẳng định sự trung thành của hai nước đối với việc hình thành một trật tự thế giới mới công bằng và hợp lý, dựa vào luật pháp quốc tế, những quan điểm đa dạng, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

 

Hai nước cùng nhất trí phản đối những mưu toan giành vị trí độc quyền trong các công việc thế giới, việc phân chia thế giới thành các nước chủ chốt và thứ yếu, việc áp đặt từ bên ngoài các mô hình phát triển xã hội và áp dụng các tiêu chuẩn hai mặt. Không chỉ đích danh nhưng nội dung của bản tuyên bố chung đã đủ cho thấy hai nước muốn kề vai sát cánh phát đi một thông điệp mạnh mẽ về trật tự thế giới đa cực để nhằm vào ai, cảnh báo điều gì.

 

Theo sự biến thiên của lịch sử, quan hệ giữa Nga và TQ đã trải qua không ít thăng trầm, khi ấm nóng, lúc lạnh lẽo, thậm chí băng giá, song chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch TQ diễn ra vào giai đoạn mà cường quốc này cùng có những điểm đồng lợi ích bao trùm, lấn lướt. Những kết quả nổi bật mà hai ông Putin và Hồ Cẩm Đào đạt được trong các cuộc trao đổi ở Moscow minh chứng rõ điều này.

 

Lợi ích chiến lược tương đồng đang mang lại mối quan hệ nồng ấm cho quan hệ đối tác Nga - Trung.

 

Phạm Đan Thành

Theo Người lao động