1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nỗi lo phía sau tham vọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc

(Dân trí) - Kenya là quốc gia mới nhất trên thế giới khiến Trung Quốc phải ráo riết tìm cách xoa dịu “cơn bão” dư luận liên quan tới các siêu dự án gây tranh cãi trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.


Người Kenya nhảy múa bên cạnh đầu tàu do công ty Trung Quốc sản xuất cho dự án đường sắt Mombasa-Nairobi năm 2017. (Ảnh: Xinhua)

Người Kenya nhảy múa bên cạnh đầu tàu do công ty Trung Quốc sản xuất cho dự án đường sắt Mombasa-Nairobi năm 2017. (Ảnh: Xinhua)

Trong thông báo phát đi ngày 28/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ nhiều thông tin mà Bắc Kinh cho là “không chính xác”, trong đó nói rằng một cảng then chốt ở thành phố Mombasa, Kenya đang có nguy cơ bị Trung Quốc thâu tóm do quốc gia châu Phi không đủ khả năng trả nợ Bắc Kinh.

Phát biểu với các nhà báo hồi tuần trước, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cũng phủ nhận những thông tin trên và khẳng định đây chỉ là những thông tin mang tính “tuyên truyền” dựa trên một bức thư được cho là rò rỉ từ Văn phòng Tổng Kiểm toán Kenya (AG). Bức thư cảnh báo những tài sản thuộc sở hữu của Cơ quan Quản lý Cảng Kenya, bao gồm cảng Kilindini ở thành phố Mombasa - cảng lớn nhất tại khu vực Đông Phi, đã được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay trị giá hàng tỷ USD của Kenya với Trung Quốc để thực hiện một dự án đường sắt.

“Ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng nói rằng thông tin này là vô nghĩa”, Tổng thống Kenyatta nói.

Văn phòng Tổng kiểm toán Kenya cũng phủ nhận việc công bố bất kỳ bức thư nào có nội dung như vậy, trong khi bản sao của bức thư này đã xuất hiện tràn lan trên mạng.

Theo CNN, bất chấp sự phủ nhận thẳng thừng của chính quyền Trung Quốc và Kenya, những mối lo ngại về các khoản vay của Bắc Kinh đã cho thấy tâm lý sợ hãi ngày càng tăng tại nhiều quốc gia đang phát triển. Chính phủ các nước này lo sợ rằng khi vội vã chạy theo các khoản vay trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, chính họ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ. Khi các con nợ không có khả năng chi trả, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẵn sàng thâu tóm các cảng biển, đường sắt và cơ sở hạ tầng trọng yếu khác, dù ở bất cứ đâu trên thế giới.

Nỗi lo vỡ nợ


Kenya được cho là đã gán cảng Mombasa cho Trung Quốc do không đủ khả năng trả nợ. (Ảnh: Citizentv)

Kenya được cho là đã "gán" cảng Mombasa cho Trung Quốc do không đủ khả năng trả nợ. (Ảnh: Citizentv)

Đối với những ý kiến chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cảng Hambantota của Sri Lanka là ví dụ điển hình nhất cho thấy nguy cơ các nước đang phát triển mắc kẹt trong các khoản vay từ Bắc Kinh.

Vào tháng 12/2017, Trung Quốc đã giành được quyền thuê cảng Hambantota, một cảng nằm ở vị trí chiến lược trọng yếu tại Ấn Độ Dương, trong thời hạn 99 năm để xóa một phần khoản nợ hàng tỷ USD do Sri Lanka nợ Trung Quốc.

Động thái này đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng tình trạng vỡ nợ tương tự tại các quốc gia khác để giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng mới tại những nơi có lợi ích về quân sự và kinh tế, từ đó “vượt mặt” các đối thủ trong khu vực như Ấn Độ và Mỹ.

Vào giữa năm 2018, chính phủ Zambia đã lên tiếng bác bỏ thông tin nói rằng, nước này đang chuẩn bị trao quyền kiểm soát nhiều tài sản công, bao gồm đài truyền hình nhà nước và sân bay quốc tế Kenneth Kaunda, cho Trung Quốc.

Đối với Kenya, vấn đề của nước này nảy sinh từ năm 2014 khi bắt đầu ký một thỏa thuận hàng tỷ USD với Tập đoàn Cầu Đường thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc để xây dựng một tuyến đường sắt nối thủ đô của Kenya với thành phố Mombasa. Mặc dù mang lại lợi ích cho người dân sau khi hoàn thiện vào năm 2017, song dự án đường sắt tại Kenya được cho là không tạo ra một nửa doanh thu như kỳ vọng, từ đó đặt ra nguy cơ Kenya không thể trả nợ cho Bắc Kinh. Dự án cũng bị chỉ trích vì đội giá quá cao, được cho là gấp 3 lần so với mức giá tiêu chuẩn quốc tế.

Sáng kiến gây tranh cãi


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo châu Phi tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Bắc Kinh ngày 3/9 (Ảnh: SCMP)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo châu Phi tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Bắc Kinh ngày 3/9 (Ảnh: SCMP)

Theo Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU), trong nửa đầu năm 2018, các công ty Trung Quốc đã cho vay nước ngoài khoảng 50 tỷ USD, bổ sung hơn 8.000 tỷ USD vào khoản đầu tư được công bố trước đó. Tuy nhiên con số này đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trước khi xuất hiện những lo ngại về Sáng kiến Vành đai và Con đường.

“(Cuối năm 2018) chứng kiến nhiều dự án quan trọng bị đình chỉ (trong đó có dự án ở Malaysia) hoặc bị thu hẹp lại (trong đó có dự án tại Myanmar) trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại về tính ổn định và minh bạch của các khoản nợ”, báo cáo của EIU cho biết.

Nhiều quốc gia ban đầu sẵn sàng tiếp nhận các khoản tiền từ Trung Quốc nhưng sau đó đã lo ngại về viễn cảnh có thể xảy ra nếu họ bị vỡ nợ, đặc biệt sau sự việc tại Sri Lanka.

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CDG), một phần của vấn đề bắt nguồn từ “cách tiếp cận khó đoán” của Trung Quốc trong việc xử lý các khoản nợ. Điều này có liên quan tới sự thiếu nhất quán của Bắc Kinh trong việc ứng xử với các quốc gia vỡ nợ. Trước đây, Trung Quốc từng sẵn sàng xóa nợ, tái cấu trúc nợ hoặc gia hạn tín dụng cho các nước, nhưng cũng có khi Bắc Kinh đòi các nước phải thế chấp tài sản để trừ nợ.

Cách tiếp cận của Trung Quốc đã tạo ra sự bất ổn đáng kể, buộc chính phủ các nước từng mượn tiền của Trung Quốc phải trông cậy vào việc duy trì mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh để đảm bảo các khoản vay trong tương lai.

Các nhà lãnh đạo châu Phi đã hết lời ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh hồi tháng 9. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng về Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng làm dấy lên làn sóng phản đối Trung Quốc tại một số quốc gia, đặc biệt ở Maldives và Malaysia - nơi các đảng đối lập chỉ trích Trung Quốc lên nắm quyền điều hành gần đây.

Chính quyền Trung Quốc đã phản bác mạnh mẽ những lời chỉ trích, cho rằng đây là tiêu chuẩn kép của các nước nhằm vào Bắc Kinh.

“Thật vô lý khi tiền từ các nước phương Tây được ca ngợi là tốt đẹp và đáng quý, trong khi tiền từ Trung Quốc bị coi là xấu xa và là cái bẫy”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu hồi tháng 9.

Tương lai của sáng kiến


Thủ tướng Papua New Guinea Peter ONeill (phải) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ khánh thành Đại lộ Độc lập do Trung Quốc tài trợ ở thủ đô Port Moresby ngày 16/11. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill (phải) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ khánh thành Đại lộ Độc lập do Trung Quốc tài trợ ở thủ đô Port Moresby ngày 16/11. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù những quan điểm chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường mạnh mẽ nhất xuất phát từ nước ngoài, nhưng thực tế cho thấy ngày càng nhiều lo ngại về sáng kiến này nảy sinh từ nội bộ Trung Quốc.

Kể từ khi Sáng kiến Vành đai và Con đường ra đời, giới chỉ trích đã cảnh báo rằng kế hoạch này có thể khiến Trung Quốc bị vay nợ quá mức khi lãng phí hàng tỷ USD vào các dự án không bao giờ có khả năng hoàn vốn. Ngay cả khi Trung Quốc có thể giành được quyền kiểm soát một số dự án nhất định đi chăng nữa để xóa nợ, lợi nhuận mà Bắc Kinh thu được từ các dự án này cũng không đáng kể.

Một cuộc khảo sát gần đây do Đại học Bắc Kinh và Viện nghiên cứu Taihe tại Bắc Kinh thực hiện cho thấy, gần một nửa trong số 100 quốc gia khảo sát được đánh giá không phù hợp với các dự án Vành đai và Con đường do sự yếu kém về tài chính và cơ sở hạ tầng. Cuộc khảo sát cho rằng chính phủ Trung Quốc nên “đánh giá lại và ngăn ngừa các nguy cơ” trước khi tiếp tục triển khai các dự án tại những nước này.

Ngoài ra, Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng đối mặt với sức ép từ Mỹ và các quốc gia đối thủ - những nước muốn ngăn Trung Quốc “hất cẳng” tầm ảnh hưởng của họ tại các quốc gia đang phát triển.

Mặc dù lực lượng ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường vẫn đông đảo và kế hoạch này được cho là chưa thể đổ vỡ trong tương lai gần, song đã có những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi đang diễn ra. Số lượng thỏa thuận được ký trong năm 2018 đã giảm so với các năm trước đó, trong khi các ngân hàng phát triển lớn của Trung Quốc được yêu cầu phải hợp tác với Ngân hàng Thế giới và các nhà cho vay khác trong các dự án tương lai tại các nước.

Là dự án mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình, Sáng kiến Vành đai và Con đường được kỳ vọng sẽ đưa Trung Quốc trở lại vị thế sức mạnh và tầm ảnh hưởng truyền thống của nước này ở cả châu Á cũng như trên toàn cầu. Tuy nhiên bước sang năm 2019, sáng kiến này đang “lung lay” hơn bao giờ hết và chính phủ Trung Quốc cần xem xét lại. Theo nhà phân tích Nisid Hajari của Bloomberg, nếu không thực hiện được điều này, Trung Quốc có thể thất bại trong việc đạt được mục tiêu đề ra ban đầu, đó là sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng sức mạnh, tầm ảnh hưởng và thương mại của Bắc Kinh ra toàn thế giới.

Thành Đạt

Tổng hợp