1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nỗi đau giằng xé của thanh niên gốc Việt mất cha trong thảm kịch 11/9

Thành Đạt

(Dân trí) - 20 năm sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, một chàng trai gốc Việt vẫn khắc khoải nỗi nhớ về người cha thiệt mạng trong thảm kịch kinh hoàng.

Nỗi đau giằng xé của thanh niên gốc Việt mất cha trong thảm kịch 11/9 - 1

Ảnh trái: An Nguyen cầm bức ảnh của mẹ, Tu Ho Nguyen, và cha, Khang Ngọc Nguyên, trước Tòa Tháp Đôi; Ảnh phải: An Nguyen đứng bên ngoài Lầu Năm Góc, vài ngày sau vụ tấn công 11/9/2001 (Ảnh: NPR).

An Nguyen mỉm cười khi lật xem một số bức ảnh cũ của gia đình. Trong bức ảnh, cậu bé An 1 tuổi được cha ôm vào lòng. Trong một bức ảnh khác chụp năm cậu 3 tuổi, Anh cưỡi trên vai cha tại ngôi nhà của họ ở Fairfax, bang Virginia, Mỹ.

Nhưng ở một bức ảnh khác, cậu bé vừa tròn 4 tuổi đeo trên đầu chiếc khăn tang màu trắng truyền thống của Việt Nam, khóc bên quan tài người cha quá cố.

"Khi ấy tôi còn quá nhỏ và dễ bị tổn thương. Đó là khoảng thời gian thực sự khó khăn", An nói.

Bố của An, ông Khang Nguyen, là một kỹ sư điện tử làm việc với vai trò nhà thầu của Hải quân Mỹ. Ông đã thiệt mạng khi Chuyến bay 77 của hãng hàng không American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc vào ngày 11/9/2001 - một cú đâm trực diện vào khu vực nơi ông Khang làm việc. Khi đó, ông mới 41 tuổi.

Trong một bức ảnh cũ của gia đình, cậu bé An mặc quần yếm kaki, đứng bên ngoài Lầu Năm Góc, tay nắm chặt hàng rào màu cam. Bức ảnh được chụp chỉ vài ngày sau vụ tấn công khủng bố. Trước mặt cậu khi đó là nơi máy bay lao vào Lầu Năm Góc. Tất cả chỉ còn lại một lỗ hổng đen kịt.

Ông Khang sinh ra tại Việt Nam và sang Mỹ định cư từ năm 1981. Tại đây ông gặp và kết hôn với mẹ của An, bà Tu Ho Nguyen. An là đứa con duy nhất của họ.

Ký ức của An về cha rất ít ỏi. "Cha hay hát, đôi khi hát rất to. Cha hay hát nhiều bài hát truyền thống bằng tiếng Việt", An nhớ lại.

Nỗi đau giằng xé của thanh niên gốc Việt mất cha trong thảm kịch 11/9 - 2

An Nguyen và mẹ tại Đại học George Mason (Ảnh: NPR).

Trong một cuốn sách ảnh mà An tự tay làm ở trường tiểu học, có tựa đề "Cha tôi có ý nghĩa như thế nào với tôi", An viết: "Khi cha tôi mất, tôi dường như quên tất cả mọi thứ về ông. Tôi rất buồn khi ông mất, nhưng tôi vẫn yêu ông rất nhiều".

Để minh họa cho trang viết đó, An đã phác thảo hình ảnh một chiếc máy bay sắp lao vào Lầu Năm Góc, còn cậu lùi sang một bên, nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt.

Khi An lớn lên, với những ký ức ít ỏi về người cha đã mất, An phải tự mình suy nghĩ về những câu hỏi lớn trong cuộc đời.

"Về mặt nào đó, tôi chỉ có một mình. Tôi cố gắng hiểu cách thế giới này vận hành như thế nào và quan trọng hơn cả là cố gắng để hiểu chính bản thân mình? Làm thế nào để tôi hiểu được chính bản thân mình khi không có hình mẫu người cha quan trọng nhất trong cuộc đời?", An nói.

An đã bước sang tuổi 24 vào ngày 9/9 năm nay. Cậu bé ngày nào nay đã trở thành một kỹ sư phần mềm và chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ tại Đại học George Mason.

20 năm sau vụ khủng bố, An coi thành tích học tập mà anh đạt được như một món quà dành cho người cha đã khuất.

"Thành tựu đó là hiện thân của di sản mà cha đã để lại. Tôi biết ông sẽ rất tự hào về con đường tôi đã đi và những gì tôi đã kiên trì đạt được với dấu ấn của ông", An cho biết.

Vào ngày 11/9, An và mẹ đến dự lễ tưởng niệm thường niên tại Lầu Năm Góc. Tại nhà, trên bàn thờ của ông Khang, họ sẽ bày những món ăn yêu thích của ông như phở Việt Nam, một số loại trái cây nhiệt đới và chè. Họ sẽ thắp hương và cầu khấn cho ông.