1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nỗi buồn ở Mecca

Thảm họa giẫm đạp tại Thánh địa Mecca, A-rập Xê-út đang cho thấy những bất cập trong khâu chuẩn bị, tổ chức và bảo đảm an ninh, y tế… cho các tín đồ tham dự những nghi lễ tôn giáo lớn.

Một ủy ban đã được lập ra để xem xét toàn diện nguyên nhân. Đã nổ ra các cuộc biểu tình. Đi cầu an lại gặp điều bất an, nỗi buồn ở Mecca vẫn chưa kết thúc!

Thảm họa… năm nào cũng có

Vào tháng 9 hằng năm, người Hồi giáo trên khắp thế giới lại đổ về Thánh địa Mecca trong dịp lễ hành hương Haji - lễ hành hương dài 5 ngày mà những người theo đạo Hồi cần phải thực hiện ít nhất một lần trong đời.

Đây cũng là một trong những nghi lễ tôn giáo lớn nhất thế giới, thu hút hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới. Theo khảo sát của Bộ Thống kê và Thông tin A-rập Xê-út, số lượng người tham dự lễ Haji đã tăng từ 57.000 người năm 1921 lên mức 3,2 triệu người năm 2012.

Nỗi buồn ở Mecca - 1

Công tác cứu chữa người bị thương được khẩn trương tiến hành. (Ảnh: Timesofisrael)

Trong các kỳ lễ hành hương hằng năm từ năm 1975 đến nay, hầu như năm nào cũng có người thiệt mạng do tình trạng giẫm đạp, bắt nguồn từ chen lấn, xô đẩy, hỏa hoạn... Vụ giẫm đạp ngày 24-9-2015 là thảm họa khủng khiếp nhất trong 25 năm qua và lớn thứ hai trong lịch sử lễ hội hành hương Haji.

Năm 1990, một vụ giẫm đạp được coi là thảm họa lớn nhất đã xảy ra tại một đường hầm trong khu vực Mina khi hệ thống thông gió của đường hầm bị hỏng, khiến 1.426 người hành hương thiệt mạng.

Thảm kịch đáng tiếc đã xảy ra cho dù A-rập Xê-út đã có sự chuẩn bị tốt khi ý thức được áp lực của hàng triệu tín đồ đổ về Thánh địa Mecca vào dịp lễ năm 2015. Chính phủ A-rập Xê-út đã chi hàng tỷ USD để mở rộng Đại Thánh đường thêm 400.000m2, có thể chứa cùng lúc 2,2 triệu người; huy động 100.000 nhân viên an ninh và lắp 5.000 máy quay giám sát nhằm kiểm soát sự cố!

Những người chứng kiến thảm họa giẫm đạp tại khu vực Mina, bên ngoài Thánh địa Mecca, ngày 24-9, khiến ít nhất 717 người thiệt mạng, gần 900 người bị thương, đã chỉ trích các nhà chức trách A-rập Xê-út, đồng thời bày tỏ lo ngại khi tiếp tục tham dự những nghi lễ tôn giáo tiếp theo.

Nhân chứng cho biết, cảnh sát đã chặn tất cả các lối ra vào khu lều trại của người hành hương, chỉ để lại một lối đi duy nhất. Ngoài ra, mặc dù người hành hương tới dự lễ Haji rất đông nhưng khâu tổ chức chưa được tốt, cảnh sát không được đào tạo và thiếu các kỹ năng giao tiếp với những người hành hương tới từ các quốc gia khác.

Đáp lại, ban tổ chức nước chủ nhà đổ lỗi cho người hành hương. Bộ trưởng Y tế A-rập Xê-út Khaled al-Falih phát biểu trên truyền hình rằng, chính những người hành hương là nguyên nhân gây ra thảm họa khi không tuân thủ những quy định của lễ hành hương Haji.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Nội vụ A-rập Xê-út Mansur al-Turki nhận định, nguyên nhân vụ giẫm đạp là do một số lượng lớn người hành hương, chia thành nhiều dòng người khác nhau khi tham gia lễ Eid al-Adha còn gọi là "nghi lễ ném đá ma quỷ", đã “xung đột” trực diện với nhau tại khu vực giao nhau của một con đường ở Mina.

Khi các dòng người xung đột với nhau, cảnh sát, nhân viên an ninh, hướng dẫn viên đã có thông báo, nhưng dòng người đã “quện” vào nhau, cảnh sát, nhân viên an ninh không thể làm gì. Những dòng người đã tạo ra một khu vực hỗn loạn màu trắng.

Một tín đồ may mắn thoát nạn kể lại: Trên loa, một nhân viên an ninh thông báo nhiều lần: "Các tín đồ không chen lấn, xô đẩy. Mọi người di chuyển từ từ theo nhiều hướng khác nhau, không tập trung cùng một đường".

Và kết quả, như lời mô tả của  Bộ trưởng Y tế của A-rập Xê-út khi đó chứng kiến mô tả: Nhiều tín đồ vô kỷ luật không di chuyển theo sự hướng dẫn của lực lượng an ninh, đi không đúng phần đường của mình, trong phút chốc, hàng nghìn người từ mỗi dòng người giẫm đạp lên nhau, cảnh tượng hỗn loạn nhanh chóng “loang” ra, mỗi lúc một lớn hơn.

Hậu quả…

Đã có một số quốc gia thông báo số nạn nhân thiệt mạng trong vụ giẫm đạp vừa xảy ra tại Thánh địa Mecca. Các hãng thông tấn Iran dẫn lời người đứng đầu tổ chức hành hương của Iran, ông Said Ohadi, cho rằng, số người thiệt mạng trong thảm họa cao hơn con số mà A-rập Xê-út chính thức thông báo. Con số này có thể lên tới 2.000 người. Hiện 365 người hành hương Iran vẫn đang mất tích.

Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ ngày 26-9 đưa tin, ít nhất 14 công dân nước này đã thiệt mạng và một số khác bị thương. Cùng ngày, giới chức Nepal xác nhận, có 3 công dân nước này thiệt mạng và 1 người bị thương.

Pakistan cũng xác nhận có 7 công dân nước này đã thiệt mạng, 6 người bị thương, ngoài ra, 236 người hành hương Pakistan đã mất tích sau thảm họa trên.

Indonesia và Kenya cũng thông báo, mỗi nước này có ít nhất 3 công dân thiệt mạng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có bài phát biểu bày tỏ chia buồn tới các gia đình nạn nhân và kêu gọi chính quyền A-rập Xê-út có biện pháp kiểm soát lễ hội Haji tốt hơn để ngăn thảm họa tương tự xảy ra trong tương lai.

Những thảm kịch từng xảy ra tại khu Thánh địa Mecca.

Tháng 7-1987: Người biểu tình Iran đụng độ với cảnh sát A-rập Xê-út khiến 400 người thiệt mạng.

1990: 1.426 người chết trong vụ giẫm đạp tại một đường hầm ở Mina.

1994: 270 người chết trong vụ giẫm đạp trong nghi thức ném đá.

1997: 340 người thiệt mạng khi một ngọn lửa cháy lan trong khu lều của người hành hương.

Tháng 4-1998: 119 người bị giẫm đạp đến chết tại lễ hành hương Haji.

2006: 364 người hành hương chết tại cầu Jamarat.

Mặc dù ngay sau khi xảy ra sự việc, Quốc vương A-rập Xê-út đã ra lệnh rà soát an toàn cho lễ hành hương Haji; Chính phủ A-rập Xê-út cũng đã lập ủy ban điều tra vụ tai nạn, song, người dân ở các nước vẫn bức xúc.

Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Seyyed Ali Khamenei đã tuyên bố ba ngày quốc tang sau cái chết của hàng trăm khách hành hương. Ông Khamenei nói, thảm họa này gây ra một "nỗi đau lớn" đối với thế giới Hồi giáo, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người bị thiệt mạng.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng ra tuyên bố nhấn mạnh rằng, Chính phủ A-rập Xê-út phải chịu trách nhiệm đối với những hậu quả của việc coi thường các nghĩa vụ bảo đảm an ninh cho khách hành hương.

Iran kêu gọi Chính phủ A-rập Xê-út "xác minh các yếu tố gây ra sự cố này", giúp hồi hương thi thể của những người Iran bị thiệt mạng một cách nhanh chóng và chữa trị cho những người bị thương. Đồng thời, Iran yêu cầu được tham gia điều tra vụ thảm kịch giẫm đạp tại A-rập Xê-út.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội Nhân dân

Nỗi buồn ở Mecca - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm