1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nội bộ các nước NATO đang “sợ” Nga?

Nghịch lý đang xảy ra trong nội bộ NATO, ngoài việc lớn tiếng đe dọa vũ lực đối với Nga, một số sẽ “bỏ mặc” đồng minh nếu bị Nga tấn công.

Kết quả của cuộc thăm dò dư luận Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố hôm 10/6 cho thấy người dân một số nước thành viên NATO không ưa Nga vì dính líu tới cuộc khủng hoảng Ukraine, song họ bác bỏ quan điểm “tham chiến” nếu một đồng minh trong khối NATO bị Nga tấn công.
Nội bộ các nước NATO đang “sợ” Nga?

Hơn 1 nửa dân Anh và các thành viên NATO không muốn "tham chiến" nếu đồng minh bị Nga tấn công. (Ảnh: AP)

Theo kết quả khảo sát, Anh chỉ 49%, Tây Ban Nha (48%), Pháp (47%), Italy (40%) và Đức (38%), ủng hộ sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ những đồng minh NATO nếu Nga tiến hành xung đột quân sự với 1 quốc gia đồng minh trong khối này.

Trong khi đó, điều 5 của Hiến chương NATO quy định những quốc gia thành viên phải bảo vệ nhau nếu một quốc gia bị tấn công.

Kết quả được công bố vào một thời điểm mà căng thẳng giữa Nga và phương Tây lên cao chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh. Các quốc gia NATO có biên giới với Nga, cụ thể là các nước vùng Baltic thường xuyên tổ chức tập trận và nâng cao cảnh báo về khả năng xảy ra “chiến tranh” với Nga.

Lâm trận tình hình sẽ khác?

Ông Ivan Vejvoda, Phó chủ tịch Quỹ Marshall Đức, bác bỏ kết quả của Pew, nói rằng “những cuộc thăm dò dư luận ghi nhận ý kiến tại một thời điểm nhất định và không thể phản ánh tình hình trong thời gian thực”.

Ông khẳng định phải hiểu kết quả mà Pew thăm dò ở khía cạnh người dân các nước đều không muốn chiến tranh. Nhưng “nếu tình huống xung đột thật sự xảy ra thì sẽ có thay đổi quan điểm”.

Ông Vejvoda nhấn mạnh Liên minh châu Âu và Mỹ đã “thống nhất lập trường không từ bỏ biện pháp trừng phạt đối với Nga” tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 hồi đầu tuần này. Đây là thông điệp rất rõ ràng với Nga vì liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Theo Reuters, trong suốt tháng 5, các nước thành viên NATO không ngừng tập trận riêng lẻ và phối hợp, phô diễn sức mạnh quân sự ở khu vực gần biên giới Nga. Điển hình là cuộc tập trận Thách thức Bắc Cực kéo dài 2 tuần, diễn ra ở 3 nước đối tác vì hòa bình của NATO ở Bắc Âu là Nauy, Thụy Điển và Phần Lan với sự tham gia của 115 máy bay chiến đấu và 3.600 binh sỹ từ 9 nước, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Hà Lan và cả nước được coi là trung lập– Thụy Sỹ.
Máy bay F-16 của Na Uy tham gia cuộc tập trận của NATO ở Litva. (Ảnh:
Máy bay F-16 của Na Uy tham gia cuộc tập trận của NATO ở Litva. (Ảnh: RT)

Đây là lần thứ hai NATO tổ chức cuộc tập trận phối hợp lớn như thế này kể từ năm 2013, mặc dù sau thời điểm Crimea sáp nhập Nga hồi tháng 3/2014 đến nay, các nước thành viên NATO liên tục hàng tháng tổ chức diễn tập quân sự riêng lẻ và phối hợp nhằm đối phó với khả năng xảy ra một cuộc chiến với Nga.

Đây được cho là lý do mà NATO cũng như chuyên gia Ivan Vejvoda, Phó chủ tịch Quỹ Marshall Đức, phản đối kết quả thăm dò mà Pew công bố hôm 10/6.

Âm mưu thôn tính vùng Kaliningrad của Nga?

Một nhóm hacker đã xâm nhập website của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Lithuania, sau đó công khai kế hoạch của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về cuộc “sáp nhập Kaliningrad”, khu vực thuộc Nga, giáp Lithuania và Ba Lan.

Hãng Lenta chiều ngày 11/6 đưa thông tin này. Theo đó, cuộc tập trận của NATO (diễn ra từ ngày 1 đến 19/6) do Mỹ dẫn đầu ở các nước Baltic và Ba Lan được xem là “hoạt động chuẩn bị cho kế hoạch trên”.

“Ngay sau thông tin bị hacker công bố, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Lithuania đã ngay lập tức gỡ bỏ thông tin trên”, theo Lenta.

Tuy nhiên, ngay sau đó, đại diện Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết, website của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Lithuania đã bị hacker tấn công. Thông tin do hacker công bố là giả mạo.

“Các chuyên gia của chúng tôi đang tiến hành điều tra sự việc”, đại diện Bộ Quốc phòng Lithuania nêu rõ.

Trước đó, hơn 6.000 quân đến từ 13 quốc gia thành viên NATO đã tiến hành cuộc tập trận mang mật danh “Saber Strike 2015” ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan. 4 nước này đều đã là thành viên của NATO và EU.

“Đây là một trong những cuộc tập trận lớn nhất diễn ra ở Lithuania kể từ khi chúng tôi gia nhập vào NATO năm 2004. Sự hiện diện quy mô lớn của lực lượng liên quân đã thể hiện tình đoàn kết của các nước trong khu vực”, Thiếu tướng Almantas Leika – Tư lệnh Lục quân Lithuania cho biết.

Nói Nga tấn công NATO là mất trí

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Il Corriere della Sera (Italy) hôm 6/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định quan điểm của phía Nga không bao giờ có chuyện “bỗng dưng” tấn công NATO.
Ông Putin: Nói Nga tấn công NATO là mất trí. (Ảnh:
Ông Putin: Nói Nga tấn công NATO là mất trí. (Ảnh: Independent)

“Tôi nghĩ rằng chỉ có kẻ mất trí và chỉ có trong giấc mơ mới có thể tưởng tượng ra rằng Nga sẽ bất ngờ tấn công NATO. Tôi cho rằng một số quốc gia đang lợi dụng nỗi sợ hãi có liên quan đến Nga. Họ chỉ muốn diễn vai là các nước tiền tuyến cần được hỗ trợ quân sự, kinh tế, tài chính hoặc các loại viện trợ khác”, tổng thống Nga phát biểu.

Ông Putin cũng so sánh sự hiện diện quân sự trên toàn cầu, nguồn ngân sách quốc phòng giữa Nga và NATO/Mỹ, cũng như các bước liên quan đến Hiệp ước Chống Tên lửa đạn đạo mà mỗi bên đã tiến hành kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Đường lối quân sự của Nga “không mang tính toàn cầu, thiên về tấn công hay hiếu chiến”, ông nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm Nga “gần như không có căn cứ ở nước ngoài” và chỉ còn sót vài nơi từ thời Liên Xô cũ. Moscow thậm chí đã có những chính sách thiên về giảm thiểu hiện diện quân sự trên toàn cầu, trong khi Mỹ đang làm điều ngược lại.

Chi tiêu quân sự của các nước NATO hiện đang gấp hơn 10 lần so với Liên bang Nga và các nước này đang tăng cường sức mạnh quân sự và sự hiện diện quân sự gần Nga, ông Putin chỉ rõ. Sẽ chỉ mất 17 phút để tên lửa được phóng đi từ các tàu ngầm Mỹ ở bờ biển Na Uy chạm tới thủ đô Moscow . Tuy nhiên, thực tế này lại không bị báo chí coi là “hành động gây hấn”.

Ngoài ra, báo chí cũng chẳng nói gì khi Mỹ liên tục tiến hành các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược ở khu vực dọc biên giới Nga kể từ thời Liên Xô mà không hề ngừng nghỉ. Trong khi đó, Nga đã ngừng hoạt động này từ đầu năm 1990 và chỉ mới bắt đầu nối lại gần đây nhưng lại liên tục trở thành mục tiêu bị báo chí phương Tây công kích./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN