1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Nga - phương Tây từ góc nhìn của Hội nghị G7

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Đức trong hai ngày 7-8/6 đã kết thúc với những quyết định không mấy bất ngờ...

... Khi các nhà lãnh đạo G7 đồng thuận chưa dỡ bỏ những biện pháp cấm vận Nga và cảnh báo sẽ gia tăng trừng phạt nếu Moskva tiếp tục là tác nhân gây căng thẳng ở miền Đông Ukraine.

Các đại diện cấp cao tại Hội nghị G7 mở rộng. (Ảnh:
Các đại diện cấp cao tại Hội nghị G7 mở rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quốc tế khá bất ngờ lại đến sau đó hai ngày, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trước báo chí trong chuyến thăm Italy, rằng "G7 chỉ là một câu lạc bộ theo sở thích và Nga không có quan hệ gì với nhóm này". Tuy phát biểu như vậy, song ông Putin cũng bày tỏ “sẵn sàng củng cố quan hệ song phương với các thành viên của G7”.

Có thể thấy đây là lần thứ hai hội nghị thượng đỉnh của G7 diễn ra không có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lần trước, liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, các nước thành viên đã tẩy chay Hội nghị G8, dự định do Nga tổ chức tại Sochi. Sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Nga không ngăn cản việc ông trở thành “nhân vật chính” của hội nghị năm nay.

Lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nguyên thủ các cường quốc phương Tây đã đặc biệt tập trung vào kế hoạch đối đầu với Moskva. Vắng bóng Nga, G7 đang dần chuyển sang vai trò mới, từ một tổ chức thiên về giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu, thành một tổ chức chính trị “phi hợp pháp”, một cơ chế với nhiệm vụ tự đặt ra là bảo vệ hệ tư tưởng và những giá trị của thế giới phương Tây.

Song dường như G7 cũng đang nhận ra tình thế đối đầu với Nga chỉ đưa mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vào ngõ cụt, mà không bên nào được lợi. Gần một năm qua, các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây tác động tiêu cực đến Nga chừng nào thì chính các nước phương Tây cũng chịu bất lợi chừng đó.

Thậm chí, giới chức Mỹ mới đây phải thừa nhận rằng sự trừng phạt của phương Tây đã không làm cho nước Nga suy yếu. Ngược lại, Nga đã bỏ qua việc chạy theo G7, để chú tâm phát triển các mối quan hệ quốc tế khác thực tế hơn, hiệu quả hơn, trong đó nổi bật là chiến lược “xoay trục sang châu Á” với “người bạn chiến lược” Trung Quốc, các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS và các nước khác trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEC)…

Trả lời phỏng vấn báo Đức Deutsche Wirtschafts Nachrichten (DWN) tuần qua, ông Folker Hellmeyer, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Đức Bremer Landesbank, cũng nhận định rằng: “trục Nga - Trung Quốc - BRICS gần như chắc chắn sẽ đánh bại sự bá quyền về kinh tế của Mỹ”, và các nước châu Âu không phải là ngoại lệ.

Nếu như sản lượng kinh tế của Nhóm các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi những năm 1990 chỉ chiếm 25% tổng sản lượng toàn cầu, thì nay đã được nâng lên thành 56%. Với 85% tổng dân số thế giới, các nước BRICS kiểm soát khoảng 70% dự trữ ngoại tệ thế giới. Họ phát triển với mức trung bình 4 - 5%/năm.

Trong khi các nước EU đang bị lôi kéo vào cuộc đối đầu (với Nga) do Mỹ gây ra, thì các nước BRICS lại đang khẩn trương xúc tiến một dự án phát triển lớn nhất lịch sử hiện đại, bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Liên minh Á - Âu từ Moskva tới Vladivostok, Nam Trung Quốc và Ấn Độ.

Rõ ràng Liên minh châu Âu (EU) càng theo đuổi chính sách cô lập Nga, thì họ sẽ càng phải trả giá cao. Vốn có quan hệ kinh tế mật thiết với Nga, EU đang hứng chịu những con số thiệt hại vật chất không thể thống kê. Và sẽ không thể định lượng những thiệt hại trong tương lai nếu EU còn theo đuổi các chính sách cứng rắn với Nga, chỉ có một điều chắc chắn là nó khá lớn, và người “phải trá giá” cuối cùng, không ai khác chính là người dân EU.

Và nếu như Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay kết thúc với một thông điệp gửi tới Nga rằng họ sẽ không gỡ bỏ cấm vận chừng nào cuộc khủng hoảng Ukraine chưa được giải quyết triệt để, thì chắc chắn họ cũng nên chuẩn bị nội lực để đối đầu với Nga, bởi các động thái kinh tế chính trị của Nga suốt một năm qua cho thấy Nga có đủ dự trữ để có thể chịu được cấm vận, và châu Âu không thể chịu đựng được lâu hơn họ.

Có thể thấy dù từng thành viên của G7 nhận rõ những thiệt hại mà họ cũng như Nga đang phải gánh chịu liên quan lệnh trừng phạt chống Nga, dù Thủ tướng Đức Angela Merkel có ngậm ngùi về một chiếc ghế bỏ trống tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, dù ông Putin có khẳng định “Nga không có quan hệ gì với G7”, thì điều không khó nhận thấy chính việc người dân Nga, người dân EU và cộng đồng quốc tế đang chịu thiệt hại bởi mối quan hệ lạnh nhạt giữa Nga và châu Âu.

Thật khó để dự đoán về tương lai mối quan hệ Nga - phương Tây lúc này, song thế giới có quyền hy vọng mọi mâu thuẫn sẽ sớm được tháo gỡ, để các cường quốc hàng đầu thế giới có điều kiện chung tay giải quyết các vấn đề chung của cả nhân loại.

Theo Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)