Nỗi ám ảnh của nước Mỹ
Trong những ngày cuối năm này, nước Mỹ chứng kiến làn sóng biểu tình rộng khắp trong cả nước liên quan tới hàng loạt vụ cảnh sát da trắng bắn chết những nạn nhân da màu mà phần lớn đều không có vũ trang.
Khi nước Mỹ chưa hết bàng hoàng sau vụ thanh niên da màu Michael Brown bị cảnh sát bắn chết ở thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri hôm 9/8 thì tại vùng Phoenix ở bang Arizona, một viên cảnh sát da trắng đã nổ súng vào thanh niên da đen Rumain Brisbon do lầm tưởng đối tượng định rút súng trong túi ra chống cự.
Hàng loạt vụ việc khiến cộng đồng người da màu nổi giận. Tình hình căng thẳng hơn khi trong nhiều trường hợp, những sĩ quan cảnh sát da trắng gây ra cái chết của những người da màu đều được miễn đưa ra xét xử. Các cuộc biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ.
Cái chết của Michael Brown và Eric Garner hay vụ việc mới đây tại Phoneix chỉ là một phần trong câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc chưa có hồi kết ở Mỹ. Giới chuyên gia nhận định những vụ việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các vụ việc đã và đang làm gia tăng mối quan hệ căng thẳng xưa nay trong xã hội Mỹ giữa các cộng đồng dân cư thiểu số với lực lượng cảnh sát chủ yếu gồm những người da trắng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều câu hỏi để ngỏ và mâu thuẫn sắc tộc vẫn đang hiện hữu trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội Mỹ như việc làm, nhà ở, giáo dục và tư pháp. Đa phần người da màu thường khó xin việc và nếu có thì họ cũng chỉ được trả mức lương thường thấp hơn so với người da trắng. Dù chiếm 37% lực lượng lao động Mỹ, hơn 2/3 trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi vẫn chỉ có thể kiếm được những việc làm giản đơn và lương của họ cũng thường thấp hơn so với người da trắng. Hệ lụy là thu nhập và sức tiêu dùng của nhóm người này thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng.
Trong các nhà tù ở Mỹ, người Mỹ gốc Phi chiếm tới 40% số tù nhân dù đối tượng này chỉ chiếm 13% dân số Mỹ (khoảng 45 triệu người). Ước tính, cứ 1/15 trẻ em người Mỹ gốc Phi có cha mẹ từng ở tù, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em da trắng là 1/111. Năm ngoái, 461 người Mỹ bị cảnh sát bắn chết theo cách được coi là hợp pháp, trong đó đa số nạn nhân là người Mỹ gốc Phi.
50 năm đã trôi qua kể từ khi nhà hoạt động dân quyền da màu nổi tiếng Martin Luther King Jr có bài diễn văn nổi tiếng “I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) trước hàng nghìn người tại Washington với khát vọng mãnh liệt về một xã hội tự do, bình đẳng và bác ái cho mọi người dân, song nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một “căn bệnh” trầm kha của nước Mỹ. Đây cũng là một trong những vấn đề mà Tổng thống Obama tiếp tục phải đối mặt trong hai năm cuối nhiệm kỳ.
Theo TTXVN/Tin tức