1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vụ bạo loạn Ferguson (Mỹ): “Dao sắc” vẫn chưa gọt nổi chuôi

Biểu tình và bạo động sau vụ bồi thẩm đoàn ra phán quyết liên quan đến viên cảnh sát Mỹ bắn người da màu là câu chuyện chưa có hồi kết.

Có thể nói nước Mỹ đang trải qua những thời khắc khó khăn do các cuộc biểu tình và bạo loạn chưa từng thấy trong nhiều năm gần đây. Đợt 1 là vào tháng 8/2014, ngay sau khi xảy ra sự việc một cảnh sát da trắng (Darren Wilson) bắn chết một thanh niên da màu (Michael Brown) ở thành phố Ferguson, hạt St. Louis, bang Missouri (Mỹ). Đợt 2 là vào cuối tháng 11/2014, ngay sau phán quyết của bồi thẩm đoàn hạt St. Louis. Hàng ngàn người tham gia vào các cuộc biểu tình trên đất của “nền dân chủ hàng đầu” thế giới. Biểu tình kết hợp với bạo động đã không giới hạn trong thành phố Ferguson (nơi xảy ra vụ cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Brown), mà còn lan ra nhiều thành phố lớn khác trên toàn nước Mỹ, làm tê liệt giao thông và xáo trộn cuộc sống thường nhật.

Bạo động trên diện rộng

Cơn giận dữ của các công dân Mỹ gốc Phi thể hiện không chỉ trong biểu tình mà còn trong các cuộc bạo động, đập phá nhà cửa, cửa hàng, rồi cướp bóc, hôi của. Đã có cả báo cáo về tình trạng bạo lực nhằm vào cảnh sát và đặc vụ FBI (Cục Điều tra Liên bang).

Vụ bạo loạn Ferguson (Mỹ): “Dao sắc” vẫn chưa gọt nổi chuôi

Người da màu biểu tình ở Ferguson, phản đối cảnh sát da trắng bắn chết thanh niên da màu Brown (ảnh: AFP)

Đáp lại, giới chức Mỹ phải huy động nhiều cảnh sát được vũ trang tận răng cộng với binh sĩ lực lượng Vệ binh Quốc gia (một dạng quân địa phương và dự bị). Lực lượng công vụ đã sử dụng dùi cui, hơi cay, đạn cao su và vòi rồng để giải tán người biểu tình, trấn áp bạo loạn.

Nếu như ở nước ngoài, quân đội Mỹ có xu hướng đóng vai trò của cảnh sát quốc tế, thì ở trong nước, cảnh sát Mỹ lại càng ngày được “quân sự hóa”, trang bị như quân đội. Trong thời gian qua, quân đội Mỹ đã chuyển giao nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự cho cảnh sát dùng.

Tình hình thực địa căng thẳng đến mức đương kim Tổng thống Mỹ Obama phải triệu tập nội các, ra lời kêu gọi các bên kiềm chế.

Vụ Michael Brown chưa lắng xuống thì dân Mỹ lại hò nhau đổ ra đường biểu tình ở hàng loạt thành phố của Mỹ để phản đối vụ một cảnh sát da trắng khác, tên là Daniel Pantaleo, siết cổ đến chết một người da màu tên là Eric Garner vào tháng 7/2014. Người đàn ông da màu này không mang vũ khí khi bị cảnh sát hành hung. Và tòa án lại một nữa tuyên trắng án đối với viên cảnh sát trong vụ việc.

Có hãng truyền thông thậm chí còn dự báo về... khả năng ông Obama phải từ nhiệm sớm do các scandal mới này.

Há miệng mắc quai

Tình hình hiện nay khiến giới chức Mỹ phần nào rơi vào tình thế khó xử trong quan hệ đối ngoại. Bởi lẽ bấy lâu nay nước Mỹ vẫn hay tự “vỗ ngực” coi mình là dân chủ, văn minh nhất nhì thế giới, và vin nhiều cớ khác nhau để “châm” nước này “chọc” nước kia về vấn đề nhân quyền.

Lực lượng cảnh sát Mỹ được vũ trang hầm hố như quân đội (ảnh: Getty Images)

Lực lượng cảnh sát Mỹ được vũ trang "hầm hố" như quân đội (ảnh: Getty Images)

Thực tế, khi nổ ra vụ Ferguson, cả Bộ Ngoại giao Nga và Triều Tiên đã lập tức lên tiếng chỉ trích ngược lại Mỹ, với lời lẽ đại loại Mỹ không có tư cách phê bình nước khác về nhân quyền khi bản thân “ốc chưa mang nổi mình ốc”.

Hiện nay nhiều khả năng Mỹ sẽ không manh động trấn áp thẳng tay các cuộc biểu tình và bạo loạn vì lúc đó nhiều nước khác từng bị Mỹ chỉ trích trong cách xử lý biểu tình sẽ quay lại phản pháo Mỹ.

Như đã nói ở trên, đích thân Tổng thống Obama đã phải kêu gọi các bên kiềm chế và tìm sự hòa hợp giữa cảnh sát và công dân. Ông Obama cũng cho triển khai các biện pháp điều tra đối với lực lượng thực thi pháp luật, và xúc tiến dự án cấp hàng chục ngàn camera gắn vào cảnh phục để giám sát hoạt động của lực lượng chấp pháp.

Trường hợp Michael Brown vẫn có nhiều chi tiết chưa rõ ràng, đòi hỏi phải điều tra thêm để xác định ai đúng ai sai và đến mức độ nào (thông tin từ phía các nhà điều tra và lời khai nhân chứng thường trái ngược nhau).

Lật ngược lại vấn đề, tỷ lệ tội phạm trong cộng đồng da đen không hề nhỏ. Nhiều người da đen bị giết chết bởi chính người da đen. Và theo nhiều nguồn tin, nạn nhân Michael Brown cũng thuộc diện ngỗ ngược. Đã có cả video ghi lại cảnh nạn nhân vào cướp thuốc lá trong tiệm rồi túm áo và xô đẩy cả nhân viên bán hàng, chỉ một thời gian ngắn trước khi va chạm với cảnh sát và bị bắn chết.

Tuy nhiên ngay trong trường hợp giả định là Brown đã hùng hổ tấn công viên cảnh sát Wilson thì cách phản ứng của Wilson vẫn có phần thái quá. Hơn nữa, anh ta sau đó được tòa án phán không phải chịu trách nhiệm gì.

Còn trong trường hợp Garner (bị tố bán thuốc lá lậu), rõ ràng cảnh sát đã hành động quá đà, siết cổ nạn nhân lôi đi khiến nạn nhân tử vong. Hành vi của viên cảnh sát Pantaleo trái với quy định của lực lượng cảnh sát New York. Tuy nhiên, Pantaleo vẫn không hề hấn, không bị truy tố và điều này gây nên cơn phẫn uất trong cộng đồng da màu.

Lực lượng cảnh sát Mỹ được vũ trang hầm hố như quân đội (ảnh: Getty Images)

Một đám đông 10.000 nam giới da trắng đã bất chấp luật pháp, treo cổ 2 thanh niên da đen tại Mỹ vào năm 1930 (ảnh: Corbis)

Xu hướng sử dụng bạo lực trong giới cảnh sát Mỹ là khó phủ nhận. Cảnh sát Mỹ có thiên hướng hành động trước và hành động một cách dữ dội – điều này khác hẳn với lực lượng chấp pháp ở một số nước thường kiềm chế nổ súng, chờ đến khi tội phạm bắn mình trước rồi mới bắn trả.

Mới đây, vào hôm 4/12, chính Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đã công khai thừa nhận trước báo giới rằng cảnh sát Cleveland (bang Ohio) đã lạm quyền và lạm dụng vũ lực, vi phạm Hiến pháp Mỹ một cách có hệ thống.

Nội bộ chưa yên

Dù có nhiều bước phát triển, xã hội Mỹ vẫn đầy rẫy mâu thuẫn và vấn nạn, từ suy thoái tài chính (có tính chu kỳ), phân hóa giàu nghèo cho đến nguy cơ đối đầu với nước ngoài và khủng bố. Liên quan đến xung đột giữa cảnh sát (đa phần da trắng) với cộng đồng người da màu, nổi lên hai điểm sau:

Thứ nhất là văn hóa ứng xử giữa người Mỹ với nhau. Nước Mỹ là siêu cường thế giới, lại được coi là nền dân chủ hàng đầu thế giới, nhưng về văn hóa ứng xử, họ vẫn có những vấn đề khiến người ta phải suy ngẫm, như cách phản ứng của người dân nước này trước thiên tai. Khi xảy ra cơn bão Katrina ở Mỹ năm 2005, báo chí đã phản ánh tình trạng bạo lực, cướp bóc và hôi của trong cộng đồng vùng gặp nạn, đối lập với hình ảnh trật tự và kỷ luật của người dân đồng minh Nhật Bản khi họ đối diện với thảm họa “tam” gồm động đất, sóng thần, và sự cố nhà máy điện hạt nhân trên diện rộng năm 2011.

Trong vụ Ferguson này, ngoài sự bất bình về cách hành xử của cảnh sát và chính quyền, rõ ràng có nhiều kẻ đục nước béo cò đã lợi dụng tình hình để làm liều, cướp phá, và khoét sâu mâu thuẫn giữa người da trắng và da đen.

Thứ hai, dù sao các sự việc này vẫn phản ánh dấu ấn phân biệt chủng tộc còn rơi rớt khá mạnh trong xã hội Mỹ ngày nay, ngay cả khi nước Mỹ đang “sở hữu” một vị tổng thống gốc Phi và một bộ trưởng tư pháp cũng da màu.

Cộng đồng da màu ở Mỹ khá nhạy cảm, có lẽ bị đối xử tệ trong nhiều vụ tương tự như thế này rồi, nên khi gặp “chất xúc tác” Wilson-Brown đã bùng phát lên như xăng gặp lửa.

Lịch sử nước Mỹ gồm một trang đen tối là giai đoạn kinh doanh nô lệ da đen. Thời đó, những người da đen đã bị bóc lột trực diện theo lối cổ xưa, tạo đà phát triển cho nước Mỹ trong một thời gian nhất định.

Sau khi phe công nghiệp ở miền bắc tiến hành nội chiến đánh bại phe chủ nô ở miền nam, chế độ nô lệ kiểu cũ bị xóa bỏ trên toàn lãnh thổ Mỹ. Thế nhưng tư tưởng kỳ thị sắc tộc đối với người da đen vẫn không hẳn mất đi.

Những nỗ lực giải phóng của phe miền bắc khi ấy phần lớn là để cung cấp nhân lực da đen dồi dào cho công cuộc phát triển sản xuất công nghiệp tư bản chủ nghĩa.

Các thành viên 3K thời trước (ảnh: Bet)

Các thành viên 3K thời trước (ảnh: Bet)
 
Một thành viên 3K thời hiện đại (ảnh: AP)
Một thành viên 3K thời hiện đại (ảnh: AP)

Phong trào 3K phát triển rầm rộ sau Nội chiến Mỹ như một sự phản ứng với phong trào giải phóng nô lệ trước đó. Nó có 3 thời kỳ chính là giai đoạn nửa sau thế kỷ 19, giai đoạn đầu thế kỷ 20, và giai đoạn những năm 1950-1960. Phong trào 3K khét tiếng với cơ sở xã hội sâu rộng và các hoạt động ngầm, sử dụng bạo lực không nhân nhượng với người da đen, bao gồm các vụ hành quyết man rợ kiểu “lynch” (không cần xét xử) do các đám đông da trắng tiến hành (như thiêu sống, treo cổ...). Người da đen có thể bị hành hình một cách oan nghiệt vì những lỗi rất nhỏ nhặt.

Một chi tiết đáng lưu ý là trong các thành viên của các hội kín 3K này từng có các vị tai to mặt lớn trong xã hội.

Về cơ bản phong trào 3K đã tan rã, nhưng bóng ma của nó vẫn còn “lảng vảng” trên đất Mỹ từ thập niên 1970 đến nay, dưới nhiều hình thức khác nhau./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN