1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nỗ lực ngoại giao sau hậu trường đặc biệt của Tổng thống đắc cử Trump

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù chưa nhậm chức, nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã khởi động các nỗ lực đặc biệt nhằm định hình chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ tới.

Nỗ lực ngoại giao sau hậu trường đặc biệt của Tổng thống đắc cử Trump - 1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Nỗ lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm định hình lại chính sách đối ngoại của Mỹ đã bắt đầu, thông qua các cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo thế giới, các quyết định bổ nhiệm quan trọng và những tuyên bố công khai nhằm thiết lập chương trình nghị sự cho chính quyền sắp tới của ông.

Kể từ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, ông Trump đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại ở Washington và trên trường quốc tế.

Điều này khiến nhóm chuyển giao quyền lực của ông mang dáng dấp của một bộ máy ngoại giao không chính thức, khi các đồng minh và cả đối thủ của Mỹ chuyển sự chú ý sang nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.

"Điều này khá đặc biệt, vì thông thường các tổng thống đắc cử thường ở bên lề và chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới, hoặc hành động như thể họ đang đứng ngoài cuộc", Daniel Fried, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, ông Trump ngày càng có nhiều động thái ngoại giao sau hậu trường một cách chủ động trước thời điểm chuyển giao quyền lực vào tháng 1/2025. Thậm chí trong một số thời điểm, các chuyên gia cho rằng, ông Trump nhận được sự chú ý nhiều hơn cả Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden liên quan tới chiến lược đối ngoại.

Nói cách khác, ông Trump đã tận dụng giai đoạn chuyển giao này để thúc đẩy chính sách đối ngoại của mình.

Một số hoạt động điều chỉnh chính sách đối ngoại đã diễn ra trong các sự kiện công khai, ví dụ như sự xuất hiện của ông Trump bên cạnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà ở Paris vào đầu tháng này.

Trong chuyến thăm, ông Trump đã gặp ông Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về cuộc chiến Nga - Ukraine.

Ông Trump cũng đã khơi mào một cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ 2 khi bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Hạ nghị sĩ Mike Waltz và những người khác vào các vị trí quan trọng trong chính quyền.

Ngoài ra, ông Trump còn sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để bình luận về các diễn biến quốc tế lớn, ví dụ như sự sụp đổ của chính quyền Syria thông qua các bài đăng trên mạng xã hội và các cuộc phỏng vấn với báo chí.

Tuy nhiên, nhiều hoạt động không chính thức của ông Trump và các cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu đã diễn ra sau hậu trường, nơi các nhà lãnh đạo thế giới đã tận dụng các cuộc gặp riêng với ông Trump để nêu lên những mối quan tâm của họ và thăm dò kế hoạch của ông Trump về thương mại, chi tiêu quốc phòng và các vấn đề khác.

Các nguyên thủ quốc gia EU đã kêu gọi Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong các cuộc điện đàm với ông Trump trong những tuần gần đây, theo một quan chức châu Âu ẩn danh.

Thành viên của nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump cũng đã bắt đầu thảo luận riêng với các quan chức Ukraine về giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến đã kéo dài gần 3 năm.

"Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với đội ngũ của ông ấy," Oleksandra Ustinova, một thành viên quốc hội Ukraine, cho biết. "Chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc ông Trump nhậm chức".

Một số đồng minh của Mỹ đã đến khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Florida để trực tiếp thảo luận với ông.

Ron Dermer, một đặc phái viên hàng đầu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã gặp ông Trump tại Mar-a-Lago một tuần sau cuộc bầu cử để thảo luận về cuộc chiến của Israel với Hamas và Hezbollah. Chuyến thăm diễn ra 3 tháng sau khi ông Netanyahu bay tới Mar-a-Lago trong giai đoạn ông Trump vẫn đang chạy đua vào Nhà Trắng.

Nhóm chuyển giao của ông Trump đã được các quan chức chính quyền Biden thông báo tóm tắt về các vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.

Có thể nói, Mar-a-Lago đã trở thành trung tâm của sức hút chính trị trong thời kỳ chuyển giao quyền lực.

Nhà Trắng biết về những cuộc gặp của ông Trump với nguyên thủ nước ngoài. Tuy nhiên, chính quyền Biden tới nay vẫn chú tâm tới việc thực hiện chính sách đối ngoại trong những tuần cuối trước khi ông Trump nhậm chức. Ông Biden vẫn thực hiện các chuyến công du tới châu Phi và Hội nghị G20 tại Brazil trong thời gian qua.

Các cựu nhà ngoại giao, nhà phân tích chính sách đối ngoại và những người khác cho rằng ảnh hưởng của ông Biden trên trường quốc tế đang giảm dần khi thời điểm ông Trump nhậm chức tới gần.

"Không ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo nước ngoài chuyển sự chú ý sang ông Trump," John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói. "Mọi người đều biết có một người mới sắp lên và họ đang chú ý đến ông ấy."

Theo Newsweek